GIỚI THIỆU CHUNG

Công ty Cổ phần Thiết kế Công nghiệp hóa chất (CECO) được thành lập từ năm 1967 là thành viên của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. Với trên 55 năm kinh nghiệm trong việc cung cấp các dịch vụ Tư vấn Đầu tư xây dựng (Bao gồm cả Tư vấn các vấn đề pháp lý theo quy định Việt Nam); Đánh giá tác động môi trường, Thiết kế; Tổng thầu EPC; EPCm; PMC,… trên nhiều lĩnh vực công nghiệp: Hóa chất, Khí Công nghiệp, Phân Bón, Hóa dầu, Xăng dầu, Năng lượng & phụ trợ, Môi trường & Xử lý chất thải, Thực phẩm, Hóa dược, Công nghiệp tiêu dùng, Khai thác & chế biến khoáng sản , Năng lượng tái tạo, Cao su & các sản phẩm khác…

TIN TỨC NỔI BẬT

CECO cập nhật tin tức và các chia sẻ về ngành mang lại thông tin hữu ích dành cho độc giả

Sáng 9/11, tại Hà Nội, Hội Kỹ thuật Công nghệ Hóa học Việt Nam (VACE) trực thuộc Hội Hóa học Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024-2029.

Đây là sự kiện quan trọng nhằm tổng kết hoạt động và đặt ra các phương hướng, mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới.

Trước đó, Đại hội Hội Kỹ thuật Công nghệ Hóa học Việt Nam lần thứ V nhiệm kỳ 2019-2024 được tổ chức vào ngày 29/9/2019 đã bầu ra Ban chấp hành gồm 76 thành viên đại diện cho các cơ quan, tổ chức thuộc 3 khối đào tạo, nghiên cứu và sản xuất. Ban chấp hành đã bầu ra Ban Thường vụ gồm 34 thành viên trong đó có Chủ tịch, 5 phó chủ tịch (1 phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký), Thành lập Hội đồng tư vấn Khoa học và Công nghệ; Thành lập các Tiểu ban chuyên trách để hỗ trợ cho Ban chấp hành.

Đoàn chủ tịch điều hành Đại hội. Ảnh: Thanh Tuấn

Báo cáo tại Đại hội, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VACE – cho biết: Thực hiện theo Nghị quyết của Đại hội nhiệm kỳ 2019-2024, Ban Thường vụ Hội đã duy trì chế độ họp Ban thường vụ Hội 2 lần/năm và họp Ban chấp hành Hội 1 lần/năm theo đúng quy định. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Hội đã làm cầu nối và hỗ trợ các đơn vị hội viên trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất và đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Nhiệm kỳ qua Ban Chấp hành Hội đã nỗ lực phấn đấu thực hiện và cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ công tác theo Nghị quyết Đại hội lần thứ IV nhiệm kỳ 2019-2024 đề ra.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VACE báo cáo tại Đại hội. Ảnh: Thanh Tuấn

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong 5 năm qua, với sự nỗ lực cố gắng của Ban chấp hành Hội, sự tham gia nhiệt tình của các Hội viên đơn vị, Hội viên cá nhân, sự hỗ trợ, hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức kinh tế, khoa học, và các đơn vị sản xuất, Hội đã hoàn thành cơ bản những nhiệm vụ đề ra.

Trong đó, phải kể đến sự tâm huyết, nhiệt tình, đam mê của nhóm soạn thảo, tác giả sổ tay ‘Kỹ thuật Hoá học, Thực phẩm, Dược phẩm, Môi trường, Dầu khí và ứng dụng’”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2024-2029, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay: Hội sẽ tiếp tục thực hiện hoàn thiện và xuất bản 4 tập Sổ tay “Kỹ thuật Hoá học, Thực phẩm, Dược phẩm, Môi trường, Dầu khí và ứng dụng”. Đẩy mạnh công tác tư vấn phản biện, tham gia công tác góp ý các văn bản quy phạm pháp luật; các dự án đầu tư. Tiếp tục là cầu nối giữa nghiên cứu, đào tạo và thực tiễn sản xuất kinh doanh; Xây dựng bộ tiêu chí và tiến tới tham gia việc xét, cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật hóa học.

Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: Thanh Tuấn

Phát huy tinh thần ‘Đoàn kết – Đổi mới – Chủ động – Hội nhập – Phát triển bền vững’, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa các Hội viên, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của Hội viên. Tham gia đóng góp ý kiến trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ hoá học cho các ngành Công nghiệp Hóa học, Thực phẩm, Dược phẩm, Môi trường, Dầu khí ở Việt Nam”, ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.

Thông tin thêm nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay: Về công tác nghiên cứu khoa học và các hoạt động chuyên môn Hội sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, xuất bản 4 tập sổ tay “Kỹ thuật Hoá học, Thực phẩm, Dược phẩm, Môi trường, Dầu khí và ứng dụng”. Tham gia góp ý sửa đổi Luật Hoá chất, tham gia hội đồng thẩm định sửa đổi Quy chuẩn VN 05A:2020/BCT; Tham gia xây dựng các Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam và Tiêu chuẩn Việt Nam cho các sản phẩm của ngành.

Các đại biểu tham gia sự kiện. Ảnh: Thanh Tuấn

Huy động các Hội viên thuộc Hội phát huy năng lực nghiên cứu khoa học, đăng ký các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Tỉnh, Nhà nước và doanh nghiệp. Tư vấn chuyển giao kết quả của các Đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu để ứng dụng vào thực tiễn. Chủ trì và phối hợp với các Hội chuyên ngành tổ chức các hội thảo, hội nghị; Tổ chức các khóa đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ cho các cán bộ kỹ thuật làm việc trong các lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, tư vấn, thiết kế trong ngành công nghệp hóa chất. Trong năm 2025, tham gia tích cực Hội nghị Hóa học toàn quốc, Hội thảo Quốc tế về hóa học xanh,…

Với mong muốn phát triển thành Hội vững mạnh vì sự nghiệp Kỹ thuật Công nghệ Hóa học nước nhà, Ban chấp hành Hội Kỹ thuật Công nghệ Hóa học Việt Nam rất mong nhận được sự đồng lòng của các hội viên đơn vị và cá nhân. Ban chấp hành Hội Kỹ thuật Công nghệ Hoá học nỗ lực phối hợp thực hiện các phương hướng, mục tiêu và các giải pháp đẩy mạnh hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ 2024-2029. Hội cũng mong muốn có được sự ủng hộ mạnh mẽ và động viên của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước, Hội Hóa học Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học & Kỹ thuật Việt Nam nhằm giúp cho Hội Kỹ thuật Công nghệ Hóa học Việt Nam thực hiện thắng lợi các chương trình kế hoạch trong nhiệm kỳ 2024- 2029”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

TS. Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Thanh Tuấn

Phát biểu tại Đại hội, TS. Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) chia sẻ, thời gian qua, Hội Kỹ thuật Công nghệ Hóa học Việt Nam đã hoạt động theo hướng tăng cường mối liên hệ giữa các Hội chuyên ngành và trong tư vấn, phản biện, hội thảo khoa học, tuyên truyền phổ biến kiến thức, tập huấn, đào tạo chuyên môn. Thông qua đó, Hội còn mở rộng mối quan hệ với các doanh nghiệp, cơ sở giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học về hoạt động khoa học công nghệ, phổ biến kiến thức, thúc đẩy phát triển ngành được chú trọng và đạt nhiều thành tựu đáng kể.

Đồng thời, Hội cũng là cầu nối và vai trò của Hội thể hiện rất rõ trong công tác phối hợp với Cục Hóa chất đóng góp xây dựng Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) cũng như chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 liên quan đến các nhóm vấn đề như: Khai báo hóa chất; ứng phó sự cố hóa chất…. Mong rằng thời gian tới, Hội Kỹ thuật Công nghệ Hóa học Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Cục Hóa chất trong hướng tới mục tiêu phát triển công nghiệp hoá chất, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước”, lãnh đạo Cục Hóa chất bày tỏ.

TS. Đỗ Duy Phi, Chủ tịch Hội Kỹ thuật Công nghệ Hóa học Việt Nam. Ảnh: Thanh Tuấn

Tại Đại hội, đã thông qua kết quả bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra và một số chức danh của Hội Kỹ thuật Công nghệ Hóa học Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2024-2029. Ban Thường vụ Hội Kỹ thuật Công nghệ Hóa học Việt Nam gồm 37 thành viên.

TS. Đỗ Duy Phi được bầu làm Chủ tịch Hội Kỹ thuật Công nghệ Hóa học Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2024-2029. Các Phó Chủ tịch bao gồm: Th.S Nguyễn Mạnh Hùng Kiêm, Tổng thư ký; TS. Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực; PGS.TS Huỳnh Đăng Chính; GS.TS Phạm Quốc Long; Th.S Lưu Ngọc Vĩnh; GS.TS Phan Đình Tuấn.

Được thành lập vào năm 1991, Hội Kỹ thuật Công nghệ Hóa học Việt Nam đã có hơn 30 năm đóng vai trò cầu nối giữa nghiên cứu, đào tạo và sản xuất trong lĩnh vực công nghệ hóa học. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội đã thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa, bao gồm công tác tư vấn phản biện, biên soạn và xuất bản sổ tay chuyên ngành, tổ chức hội thảo, hội nghị và các hoạt động tuyên truyền về Hội. Các thành tựu này đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng của Hội trong việc thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật và công nghệ hóa học tại Việt Nam.

Nguồn tin : Công Thương

Tại Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 28), Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Dẫn lời của cố TS.Vũ Tiến Lộc – Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) “Tăng trưởng xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam. Việc Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050 là một quyết tâm chính trị vì lợi ích quốc gia và vừa sức vươn lên của nền kinh tế Việt Nam”.

Để hướng đến Net Zero, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai một trong những biện pháp đưa ra là chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, nhiệt điện gây ô nhiễm, thủy điện đã đến giới hạn, điện hạt nhân đứng trước những cảnh báo về thảm họa, vì thế phát triển năng lượng tái tạo trở thành xu thế tất yếu. Việt Nam có tiềm năng đặc biệt lớn về các nguồn năng lượng tái tạo như: thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Theo nhận định của các chuyên gia và nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam có đủ nguồn năng lượng tái tạo để xây dựng ngành điện quốc gia theo kịch bản phát triển năng lượng bền vững.

Năng lượng xanh, năng lượng tái tạo là xu thế phát triển tất yếu của tương lai

Dù còn nhiều khó khăn thách thức, song các chuyên gia năng lượng đồng tình nhận định, trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và phát triển nền “kinh tế xanh” đang là những ưu tiên hàng đầu đối với nhiều quốc gia trên thế giới, năng lượng tái tạo ngày càng được chú trọng. Việt Nam cần phải phát triển nhanh hơn nữa, vừa tạo thế cạnh tranh trong thời kỳ “kinh tế xanh”, vừa là điểm then chốt để đạt mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã đề ra mục tiêu cụ thể, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất điện dự kiến tăng từ 27% năm 2021 lên 29% trong năm 2025 và 40% vào năm 2045. Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí metan vào năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu này, không còn con đường nào khác là phải thay thế điện than bằng các nguồn điện tái tạo (gió, mặt trời…). Dẫu vậy, từ thực tế triển khai cho thấy, các nguồn điện từ năng lượng tái tạo tương lai vẫn đang có những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách cần được tháo gỡ… Phát triển năng lượng tái tạo hiệu quả và bền vững là chủ đề tiêu điểm của nhiều diễn dàn, hội thảo trong khắp cả nước.

Ngày 02-10-2024, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Năng lượng mới (NLM) và năng lượng tái tạo (NLTT) – Tiềm năng và nguồn lực đầu tư”. Đây là một trong các chuỗi sự kiện quan trọng trong Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2024. Tham dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị – Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Quyền Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến;  Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các tổ chức tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế trong, ngoài nước; các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, TP. Bến Tre tham dự.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước

và tỉnh Bến Tre

CECO tham dự Hội thảo NLM, NLTT và Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh Bến Tre năm 2024 theo lời mời của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre, qua kết nối từ Công ty cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen (TGS). TGS thuộc Tập đoàn The Green Solutions, một trong những đơn vị lớn, tiên phong trong việc nghiên cứu, phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo mang tính chuyển đổi trên khắp Việt Nam.

CECO chúc mừng thành công của Hội thảo NLM, NLTT của tỉnh Bến Tre

Cuối tháng 3/2024, TGS khởi công Dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh Trà Vinh với tổng nguồn vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Đây là dự án sản xuất hydro từ điện phân nước biển, điện năng lượng được tạo ra hydro xanh thông qua quá trình điện phân nước, công nghệ của dự án là điện được sử dụng để tách nước thành hydro và oxy; hydro tạo ra có thể được lưu trữ dưới dạng khí lỏng, thích hợp để sử dụng trong nhiều lĩnh vực và dễ dàng vận chuyển. Chủ trương đầu tư dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh Trà Vinh của Công ty Cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam với thế giới trong lộ trình thực hiện cam kết kéo giảm phát thải khí nhà kính.

CECO (Chủ tịch HĐQT Lưu Ngọc Vĩnh và Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Vân Anh) cùng với Đại diện Công ty cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen và Tập đoàn ThyssenKrupp tại Hội thảo của tỉnh Bến Tre

Trong những năm gần đây, CECO đã đồng hành cùng với nhiều chủ đầu tư cả trong và ngoài nước (trong đó có TGS) về các dự án NLM, NLTT như Hydro xanh, Amonia xanh, điện trấu, điện từ rác…ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án (lập, thẩm tra, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và dịch vụ tư vấn khác). Với tư cách là đơn vị tư vấn xây dựng, có khả năng thực hiện tổng thầu các công trình, hỗ trợ đối tác trong việc triển khai các dự án đầu tư ngay từ giai đoạn chuẩn bị đến khi hoàn thành công trình, CECO luôn chú trọng công tác đào tạo đội ngũ kỹ sư cập nhật các công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới, mở rộng quan hệ hợp tác với các nhà bản quyền công nghệ, nhà cung cấp máy móc, thiết bị trong lĩnh vực NLM, NLTT để bắt kịp xu thế phát triển bền vững./.

Nguồn: Tổng hợp

Bộ phận Quản lý thông tin CECO

Thực trạng xây dựng và áp dụng chính sách pháp luật trong quản lý công nghệ; Những khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp trong việc tiếp cận, ứng dụng và phát triển công nghệ; Chính sách về thẩm định và chuyển giao công nghệ và định hướng cải thiện khung pháp lý về hoạt động này trong thời gian tới… là những nội dung được trao đổi tại Diễn đàn Chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội diễn ra ngày 30/9/2024 tại Hà Nội.
Diễn đàn nằm trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, được đồng chủ trì bởi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nhằm tạo ra một không gian đối thoại, thảo luận sâu rộng giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo.
Đây là cơ hội để các bên cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, ý tưởng và tầm nhìn về các chính sách và chương trình hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Các đại biểu Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), việc ứng dụng chuyển giao công nghệ và ĐMST có vai trò quan trọng nhằm nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động sâu rộng và mạnh mẽ, trình độ và năng lực công nghệ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tạo được sản phẩm dịch vụ có tính cạnh tranh vượt trội đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Mặt khác cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế trong thời gian gần đây dẫn đến gia tăng các biện pháp tăng cường bảo hộ cạnh tranh khốc liệt về công nghệ cùng với những đòi hỏi mục tiêu phát triển bền vững là những yếu tố thực tiễn đã đặt ra cho doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải có giải pháp cốt yếu để hấp thụ và đổi mới công nghệ, tiến tới tự chủ được công nghệ và vượt qua khó khăn thách thức.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định, KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại. Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục khẳng định, KH,CN&ĐMST là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Quan điểm này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về vai trò của KH&CN trong tiến trình phát triển đất nước, trong đó lấy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, chuyển dần từ gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang tăng năng suất chất lượng lao động, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ ĐMST của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Thứ trưởng Hoành Minh nhấn mạnh, với chủ trương lấy doanh nghiệp là trung tâm của ĐMST quốc gia, thời gian qua Bộ KH&CN đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng chuyển giao và phát triển công nghệ, hướng dẫn hỗ trợ các địa phương đánh giá trình độ và năng lực công nghệ của doanh nghiệp với một số ngành chủ lực, mũi nhọn. đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, triển khai các chương trình KH&CN quốc gia, xác định tìm kiếm chuyển giao công nghệ của các địa phương, doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ tìm kiếm giới thiệu kết nối nguồn cung công nghệ của nước ngoài. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng thiết lập và tăng cường gắn kết chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng chuyển giao đổi mới công nghệ ĐMST trong các ngành, lĩnh vực sản xuất và kinh doanh.
Các đại biểu tham luận tại Diễn đàn.
Tại Diễn đàn các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận những nội dung chính như: Thực trạng xây dựng và áp dụng chính sách pháp luật trong quản lý công nghệ hiện nay của Việt Nam; Những khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp trong việc tiếp cận, ứng dụng và phát triển công nghệ; Chính sách về thẩm định và chuyển giao công nghệ theo pháp luật hiện hành và định hướng cải thiện khung pháp lý về hoạt động này trong thời gian tới, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các giải pháp công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng giá trị sản phẩm; Cơ chế, chính sách KH&CN thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ xanh, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới Net Zero bao gồm việc hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân và cộng đồng cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu; Giới thiệu Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam”…
Các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp trao đổi tại Diễn đàn.
Theo đó, đây là cơ hội để các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học kết nối với doanh nghiệp, cùng nhau tìm ra những giải pháp công nghệ thiết thực, góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam.
Nguồn tin: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN.

LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG

CÁC DỰ ÁN TIÊU BIỂU

Giá trị cốt lõi của CECO là Lòng tin và Tri thức. Đặc trưng văn hoá và con người CECO là Trách nhiệm, Hợp tác, Hiếu học.

CHỨNG CHỈ VÀ CHỨNG NHẬN

CECO đã và đang thực hiện nhiều dự án được các Chủ đầu tư đánh giá cao
Các công trình phát huy hiệu quả được Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tập đoàn Hoá chất Việt Nam tặng bằng khen, huân, huy chương.

KHÁCH HÀNG VÀ ĐỐI TÁC

Công ty Cổ phần Thiết kế Công nghiệp Hoá chất mở rộng quan hệ với các bạn hàng quốc tế như:
TECHNIP (Pháp), Unilever (Anh), Tập đoàn M+W (Đức), Snamprogetti (Ý), Fluor Daniel (Mỹ), Hyundai (Hàn Quốc), Mitsui Toatsu (Nhật), TODA (Nhật), JGC (Nhật), TOMEN (Nhật), INOUE (Nhật), AJINOMOTO (Nhật), TTCL (Thái Lan), Công ty Ching Fong (Đài Loan), các công ty thiết kế công nghiệp Quảng Châu, Vân Nam, Nam Ninh, Vũ Hán, Bắc Kinh (Trung Quốc)… để trao đổi thông tin và hợp tác thực hiện các công việc về tư vấn thiết kế một số công trình tại Việt Nam.

0
TỈNH THÀNH
0
DỰ ÁN ĐÃ LÀM