TIN TỨC

Bùng nổ các dự án sản xuất hydro xanh tại châu Á

Cuộc “chạy đua” sản xuất hydro xanh tại châu Á-Thái Bình Dương ngày càng tăng nhiệt khi nhiều công ty năng lượng hàng đầu của phương Tây bắt tay với đối tác trong khu vực thực hiện một loạt dự án năng lượng tái tạo.

Theo Nikkei Asia, tập đoàn Orsted của Đan Mạch – công ty điện gió lớn nhất thế giới, và một số “ông lớn” dầu mỏ của phương Tây đang lên kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực này tại châu Á.

Hydro xanh được sản xuất bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo từ các nguồn như ánh sáng mặt trời và gió để tách nước thành hydro và oxy. Nhiên liệu hydro sau đó được dùng cho công nghiệp nặng như sản xuất thép, bê tông và ngành giao thông vận tải.

Nhu cầu hydro xanh đang tăng mạnh trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu, khu vực đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.

Tuy nhiên, xu hướng đầu tư này được dự báo sẽ bùng nổ tại châu Á trong thời gian sắp tới. “Ban đầu chúng tôi chỉ tập trung vào châu Âu. Nhưng chắc chắn trong tương lai gần, chúng tôi sẽ mở rộng sang khu vực châu Á,” ông Per Kristensen, Chủ tịch Orsted khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nói với Nikkei Asia.

Năm ngoái, tập đoàn Orsted đã hợp tác với công ty thép POSCO của Hàn Quốc thực hiện một dự án điện gió. Họ dự định sản xuất hydro xanh phục vụ kế hoạch “thép hydro” – sử dụng hydro thay vì than đá để sản xuất thép. Từng thực hiện nhiều dự án sản xuất hydro xanh ở Biển Bắc, Orsted sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tại châu Á trong tương lai gần.

Trong khi đó, các công ty dầu mỏ lớn của phương Tây cũng đang đổ xô vào các dự án hydro xanh ở châu Á. Với hơn 40% cổ phần, tập đoàn dầu mỏ BP của Anh hiện trở thành cổ đông lớn nhất tại Trung tâm Năng lượng Tái tạo châu Á – một dự án hydo xanh khổng lồ của Úc. Với kế hoạch sản xuất tới 1,6 triệu tấn hydro xanh mỗi năm, công ty đa quốc gia của Anh đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần nhiên liệu tái tạo của thế giới.

Tập đoàn đa quốc gia Chevron của Mỹ đang hợp tác với công ty dầu mỏ Pertamina của Indonesia và công ty Keppel – tập đoàn năng lượng quốc gia Singapore, để sản xuất hydro xanh từ nguồn năng lượng địa nhiệt ở Đông Nam Á. Các công ty này dự kiến sản xuất 80.000 đến 160.000 tấn hydro xanh mỗi năm.

Trung Quốc, nước tiêu thụ hydro lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu dẫn đầu trong sản xuất hydro xanh. Một số dự án quy mô lớn đã được triển khai, gồm một nhà máy có sản lượng 20.000 tấn/năm do Công ty dầu mỏ quốc gia Sinopec đầu tư.

Còn tại Ấn Độ, chính phủ nước này lên kế hoạch mở rộng sản xuất hydro xanh để hạn chế phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và loại bỏ nhiên liệu hóa thạch khỏi nền kinh tế. Nỗ lực đó nhằm hiện thực hiện hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070. Chính quyền New Delhi đặt mục tiêu sản xuất 25 triệu tấn hydro xanh mỗi năm từ năm 2047. Trong khi đó, các tập đoàn dầu khí quốc gia NTPC, Indian Oil Corp, và nhiều tỷ phú của Ấn Độ như Gautam Adani và Mukesh Ambani – những đại gia sừng sỏ trong ngành than dầu – cũng đã công bố đầu tư vào năng lượng tái tạo, bao gồm hydro xanh.

Theo báo cáo của Hội đồng Hydrogen, bao gồm hơn 150 công ty đa quốc gia và công ty tư vấn McKinsey & Company của Mỹ, tổng nhu cầu hydro xanh của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đạt khoáng 285 triệu tấn vào năm 2050, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng hydro xanh trên thế giới.

Nguồn:https://kinhtedothi.vn/

TIN TỨC LIÊN QUAN