TIN TỨC

Xu hướng phát triển hydrogen xanh trên thế giới, định hướng tại Việt Nam

Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP) phối hợp với Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo về “Xu hướng phát triển ngành công nghiệp hydrogen xanh trên thế giới, định hướng phát triển tại Việt Nam” trong khuôn khổ dự án PtX Outreach do Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức (BMMWK) tài trợ.

Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của hydro xanh trong tiến trình chuyển dịch năng lượng, cũng như mang tới một diễn đàn chung cho các chuyên gia, cán bộ cùng thảo luận về các định hướng phát triển của ngành công nghiệp Power-to-X (PtX) và hydro xanh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Xu hướng phát triển hydrogen xanh trên thế giới, định hướng tại Việt Nam
Phó Vụ trưởng, Vụ Dầu khí và than Trần Thanh Tùng.

Chia sẻ về chiến lược quốc gia về hydro của Việt Nam, Phó Vụ trưởng, Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương) Trần Thanh Tùng cho biết: Hydro đang được xem là nguồn năng lượng ưu tiên phát triển nhằm thay thế cho các nguồn nhiên liệu hóa thạch và dự báo sẽ chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam trong tương lai. Việt Nam định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi, kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ) để sản xuất năng lượng mới (hydrogen, ammoniac xanh) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Các chuyên gia trong nước cũng chia sẻ kết quả nghiên cứu thực tiễn liên quan đến tiềm năng ứng dụng ammoniac trong hoạt động sản xuất điện ở Việt Nam, cũng như các yêu cầu kỹ thuật đối với ngành công nghiệp PtX và hydro xanh tại Việt Nam.

Các chuyên gia nhấn mạnh: Sự phát triển của nền công nghiệp PtX và hydro xanh cần dựa trên khung tiêu chí bền vững của ngành (trên 4 lĩnh vực môi trường, kinh tế, xã hội và quản trị), cũng như đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.

Chuyên gia khuyến nghị để xây dựng ngành công nghiệp phát triển bền vững, Việt Nam cần hoàn thiện các tiêu chuẩn và chứng nhận cho ngành công nghiệp PtX, cũng như thử nghiệm và vận hành thị trường các-bon. Bên cạnh đó, cần đào tạo nhân lực chất lượng cao trong nước theo nhu cầu, thu hút nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài; xây dựng cơ sở hạ tầng, học hỏi công nghệ quốc tế; cũng như hỗ trợ tài chính cho các dự án PtX trong nước.

Xu hướng phát triển hydrogen xanh trên thế giới, định hướng tại Việt Nam
Toàn cảnh hội thảo.

Từ phía các chuyên gia quốc tế, các xu hướng và cơ hội kinh doanh trong nền kinh tế PtX toàn cầu cũng được chia sẻ.

Theo chuyên gia tư vấn quốc tế IET/GFA David Jacob: Định hướng phát triển hydro xanh nên ưu tiên tập trung vào các mục tiêu dễ thực hiện để giảm thiểu rủi ro. Nên đầu tư các ngành chưa có công nghệ thay thế cho hydro xanh, hoặc đã đang sử dụng khí hydro trong sản xuất, như ngành sản xuất phân bón, và khử lưu huỳnh trong các nhà máy lọc dầu.

Về tiềm năng xuất khẩu khí hydro, chuyên gia nhận định với quy mô diện tích đất để phát triển NLTT khoảng 85.000 km2, Việt Nam có thể lắp đặt 3.400 GW điện mặt trời và 840 GW điện gió trên bờ. Theo tính toán, tiềm năng xuất khẩu hydro xanh từ điện mặt trời và điện gió của Việt Nam có thể đạt 23 triệu tấn mỗi năm. Các thị trường hiện có nhu cầu nhập khẩu hydro lớn trên thế giới có thể kể đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý.

Chuyên gia quốc tế cũng đưa ra các khuyến nghị về chiến lược tầm trung và dài hạn cho ngành công nghiệp dầu khí, bao gồm:

– Phân tích chi tiết về chi phí giá của các sản phẩm PtX tại các địa điểm được lựa chọn.

– Thiết lập các khu vực tập trung phát triển năng lượng tái tạo, hydro xanh và các hành lang vận tải không gian.

– Nghiên cứu chi tiết về dầu nhiên liệu hàng hải, khả năng cạnh tranh của PtX đối với nhu cầu nội địa và trong tương quan với các quốc gia khác…

Xu hướng phát triển hydrogen xanh trên thế giới, định hướng tại Việt Nam
Giám đốc Dự án PtX Outreach Markus Bissel.

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Dự án PtX Outreach Markus Bissel cho biết: “Để Việt Nam đạt được mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050, bên cạnh việc mở rộng sản xuất điện từ năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả năng lượng, cần có những hành động cụ thể hơn để giảm phát thải trong lĩnh vực vận tải, điện và sản xuất. Một trong số đó là sử dụng hydro xanh tạo ra từ năng lượng tái tạo và các dẫn xuất của nó. GIZ phối hợp với cơ quan PtX Hub tại Berlin triển khai dự án PtX Outreach với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam định hình các điều kiện khung cho sản xuất PtX, đảm bảo về tài chính, xây dựng mạng lưới và quan hệ đối tác quốc tế, khai thác tiềm năng quốc gia và thị trường, hướng tới phát triển ngành công nghiệp PtX và hydro xanh bền vững.”

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 70 đại biểu là cán bộ Vụ Dầu khí và Than, đại diện các viện nghiên cứu, các công ty tư vấn trong nước và quốc tế liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, các nhà máy nhiệt điện, cũng như các tập đoàn, công ty điện lực, dầu khí trên cả nước.

Hội thảo là một phần trong chuỗi các hoạt động của dự án PtX Outreach do Chương trình ESP triển khai trên cơ sở thực hiện bốn nhóm nhiệm vụ:

(1) Xây dựng và phát triển năng lực nhân sự đáp ứng yêu cầu ngành công nghiệp PtX.

(2) Thúc đẩy đối thoại trao đổi về chủ đề phát triển bền vững.

(3) Tư vấn xây dựng khung chính sách và chiến lược phát triển ngành công nghiệp PtX.

(4) Phân tích tiềm năng quốc gia./.

Nguồn tin: BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

TIN TỨC LIÊN QUAN