Việc Fed nâng lãi suất đồng USD lên cũng đã được các chuyên gia trong nước dự báo từ khá lâu và cho rằng nó sẽ gây áp lực lên tỷ giá USD tại Việt Nam.
Tiễn sỹ Cao Sỹ Kiêm chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, động thái nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần 10 năm qua của Fed khiến việc đầu cơ đồng bạc xanh hấp dẫn hơn, gây ra nguy cơ gia tăng rút, thoái vốn tại các nền kinh tế mới nổi, khiến các nền kinh tế này phải tìm biện pháp ứng phó.
“Nhiều quốc gia có tỷ giá đồng nội tệ neo với đồng USD, trong đó có Việt Nam có thể cảm nhận được sức ép về biến động tỷ giá, đặc biệt trong những ngày gần đây luôn ở mức kịch trần mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép,” ông Kiêm nhận định.
Ông Kiêm phân tích thêm, Fed tăng lãi suất thì các nước chậm phát triển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì các nhà đầu tư sẽ rút vốn về để đầu tư vào Mỹ, như vậy đồng vốn sẽ đổ ngược về Mỹ, trong đó có Việt Nam. Theo đó Việt Nam sẽ phải điều chỉnh một loạt các mức lãi suất.
Tuy nhiên, theo ông Kiêm, NHNN cũng chưa cần phải điều chỉnh ngay lập tức thị trường ngoại tệ mà nên nghe ngóng thị trường của các nước, tất nhiên là không thể làm chậm được vì như vậy vốn sẽ bị hút hết về phía Mỹ.
Còn chuyên gia tài chính ngân hàng khác, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu lại nhấn mạnh rằng, việc Fed tăng lãi suất sẽ áp lực lên tỷ giá rất lớn vì giá trị của đồng USD sẽ tăng lên và mức cầu của đồng USD cũng tăng lên… dẫn đến áp lực lớn lên tỷ giá.
Mặt trái của việc đồng USD mạnh lên là lòng tin của người dân vào VND có thể bị lung lay và nó có thể tác động tới lạm phát vì hàng nhập khẩu có thể phải trả một lượng tiền đồng lớn hơn, nợ công cũng tăng lên nếu tính bằng tiền đồng. Tuy nhiên, sẽ tác động đến nền kinh tế, trước hết là xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.
“Nói chung Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối của Việt Nam và các nền kinh tế nói chung,” ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Hiếu cho rằng, NHNN có 4 công cụ để có thể điều chỉnh ngay thời điểm này: Thứ nhất, tiếp tục bán ngoại tệ ra ngoài để cân bằng cung cầu, tuy nhiên nếu cứ bán mãi thì sẽ rất nguy hiểm vì một quốc gia cần phải có dự trữ ngoại hối tối thiểu bằng 3 tháng nhập khẩu mà hiện nay Việt Nam đã ở dưới ngưỡng đó rồi.
Thứ hai là sử dụng biện pháp hành chính, thực ra trong thời gian qua NHNN đã sử dụng biện pháp này như giảm lãi suất xuống và có thông tư hạn chế găm giữ ngoại tệ. Những biện pháp hành chính này cũng chỉ có giới hạn vì nếu sử dụng mạnh tay thì người dân sẽ lo lắng và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba là đưa ra các khuyến nghị, khuyến cáo như kêu gọi các ngân hàng thương mại phải tuân thủ các quy định, không được đẩy giá lên, cố gắng hỗ trợ NHNN và các thành phần kinh tế, rồi kêu gọi dân chúng không nên đầu cơ ngoại tệ…
Công cụ cuối cùng là phải điều chỉnh tỷ giá, mà công cụ này NHNN đã nói rằng, từ nay đến cuối năm sẽ không điều chỉnh tỷ giá.
Ông Hiếu đánh giá, với 4 công cụ này mà theo ông cái nào cũng có hạn chế thì thực sự là khó khăn cho nền kinh tế và cho sự điều hành của NHNN. Nếu như NHNN vẫn cứ giữ tỷ giá như hiện nay thì thị trường tự do sẽ nở rộ và hoành hành trở lại như trước đây.
“Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá chỉ là sớm hay muộn thôi, nếu không làm thời điểm này thì sang đầu năm 2016 NHNN cũng phải điều chỉnh vì chúng ta không nhìn thấy lý do giá trị của đồng USD giảm xuống. Nếu xét thấy không cầm cự được nữa thì NHNN nên điều chỉnh tỷ giá càng sớm càng tốt,” ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo tiến sỹ Cấn Văn Lực, áp lực đối với tỷ giá của Việt Nam từ nay đến cuối năm cũng như là đầu năm tới rất lớn. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng mong muốn tạo ra được trạng thái ổn định cho câu chuyện kinh doanh trong dịp trước và sau Tết và cũng đã đưa ra thông điệp cam kết như vậy.
“Tôi nghĩ với mối quan hệ cung cầu về ngoại tệ hiện nay của chúng ta, với việc dự trữ ngoại hối hiện nay của NHNN và với việc sử dụng đồng bộ các công cụ thì NHNN có thể đảm bảo được tỷ giá từ nay đến cuối năm cũng như là đầu năm tới. Tuy nhiên, năm 2016 có lẽ NHNN phải linh hoạt hơn” – ông Lực phân tích.
Đánh giá về vấn đề này, một số chuyên gia khác cũng cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá trong thời gian tới là đúng đắn và cần thiết bởi Việt Nam không thể cùng lúc tăng trưởng kinh tế cao, giữ được dự trữ ngoại hối tương đối, đón dòng vốn đầu tư nước ngoài nhiều và thúc đẩy thương mại phát triển.
Nguồn: Báo Đầu tư