TIN TỨC

PPP ra đời, hàng loạt dự án BOT giao thông chục nghìn tỷ đồng khởi động

Theo các nhà chuyên môn thì việc Nghị định về PPP được ban hành là điều kiện cần để các dự án hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ bởi có sự cam kết của Chính phủ.

Cùng với đó, đề án phát triển đường cao tốc Việt Nam từ nay đến 2020 cần xây dựng tới 2.500km, trong khi đó hiện mới chỉ xây dựng được 576km. Bởi vậy, đây sẽ là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Mới đây, đã có hàng loạt dự án BOT giao thông hàng chục nghìn tỷ được khởi động.

Dự án cao tốc Trung Lương –Mỹ Thuận (giai đoạn 1) trị giá hơn 14,6 nghìn tỷ đồng

Dự án vừa được khởi công xây dựng do liên doanh 6 nhà thầu tư nhân thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018. Năm2009, đã được duyệt với tổng mức đầu tư 28.000 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau đó kinh tế khó khăn, đầu tư công bị cắt giảm nên Chính phủ đã chấp thuận chuyển giao dự án về Bộ GTVT.

Cho đến tháng 10 năm 2014, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt quy mô dự án và phân kỳ đầu tư Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư là 14.678 tỷ đồng theo hình thực hợp đồng BOT. Trong đó, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị 6.751 tỷ đồng; chi phí bồi thường GPMB và tái định cư 2.550 tỷ đồng; dự phòng 2.639 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian thi công 2.061 tỷ đồng…Thời gian thu phí hoàn vốn là 20 năm. Tuyến đường có chiều dài 51,1km được thiết kế 4 làn xe (2 làn có vận tố 80km/h và 2 lán phụ có vận tốc 40km/h).

Cao tốc Bắc Giang –Lạng Sơn -13.000 tỷ đồng

Ban quản lý An toàn giao thông cũng vừa đề xuất phương án xây dựng đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn với tổng mức đầu tư gần 13.000 tỷ. Nếu được Bộ GTVT phê duyệt có thể dự án sẽ được khởi công ngay trong năm 2015 và hoàn thành vào năm 2018.

Chiều dài tuyến đường 63,5km, quy mô 4 làn xe cơ giới chiều rộng từ 25-33m; trên tuyến xây dựng 4 nút giao liên thông và 4 nút trực thông; 20 cầu cầu vượt dòng chảy và địa hình, 5 cầu đường ngang vượt đường cao tốc, 69 cống chui dân sinh…Thời gian hoàn vốn 21 năm.

Cao tốc Nha Trang –Phan Thiết –Khoảng 46-47 nghìn tỷ đồng

Mới đây, siêu dự án cao tốc Nha Trang –Phan Thiết cũng được Ban Quản lý dự án 6 trình Bộ GTVT phê duyệt phương án. Theo đó, có nhiều phương án được trình có chiều dài và tổng mức đầu tư khác nhau.

Phương án 1: Có chiều dài 235km kinh phí đầu tư 47.558 tỉ đồng, tuyến cao tốc trên sẽ có quy mô 6 làn xe, nền đường  rộng 32,5-34,5m. Dự án có 11 nút giao; 83 cống chui dân sinh; 97 cầu gồm 26 cầu lớn, 47 cầu trung và 24 cầu nhỏ được xây dựng bằng bê tông cốt thép.

Phương án 2: Dài 228km với tổng mức đầu tư 46.330 tỉ đồng, đảm bảo tính kết nối tốt với mạng lưới giao thông quốc gia, kết nối TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam với thành phố Nha Trang. Và phương án khác là dài 183km có tổng mức đầu tư gần 40 nghìn tỷ. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án 6 cho rằng nên cho phép phân kỳ đầu tư theo giai đoạn. Nếu được Bộ GTVT phê duyệt, dự án sẽ được khởi công vào quý 3/2015 và hoàn thành vào năm 2020

Cầu Mỹ Thuận 2 –trị giá 9.760 tỷ đồng

Đây là cây cầu nằm trên tuyến đường cao tốc Trung Lương –Mỹ Thuận vượt qua sông Tiền. Dự án này cũng đang được mời thầu với dự kiến chiều dài cầu là 6,4km trong đó phần cầu khoảng 2,2km, phần đường dẫn vào cầu khoảng 4,3km. Phần cầu có quy mô 6 làn xe, bề rộng 28m. Riêng phần đường phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, đảm bảo bề rộng 16,5m (4 làn xe cao tốc).

Đơn vị chào thầu cũng đưa ra nhiều phương án xây dựng cầu khác nhau, có tổng vốn đầu tư dao động từ hơn 7 nghìn tỷ đồng đến hơn 9.700 tỷ đồng, tương ứng với thời gian hoàn vốn khác nhau từ hơn 25 năm đến hơn 29 năm.

Bên cạnh đó, theo đề án phát triển đường cao tốc Việt Nam, nhiều “siêu” dự án khác cũng đang được khởi động như Dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài 205 km có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 37.500 tỷ đồng; Dự án Đường cao tốc Quảng Ngãi – Quy Nhơn dài 150 km có tổng mức đầu tư khoảng 28.000 tỷ đồng.

Riêng tại Hà Nội và TP.HCM, 4 dự án có tổng mức đầu tư “khủng” như Đường cao tốc vành đai 4 Hà Nội có 6 làn xe dài 136 km, kết nối Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Bắc Giang có tổng vốn đầu tư 51.874 tỷ đồng; Đường cao tốc vành đai 5 Hà Nội kết nối Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và Vĩnh Phúc có tổng vốn đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng; Đường cao tốc vành đai 3 TP.HCM 6 làn xe dài 87,4 km có vốn đầu tư là 43.000 tỷ đồng và Đường cao tốc vành đai 4 TP.HCM dài 152 km kết nối TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương và Long An có tổng mức đầu tư 60.000 tỷ đồng.

Gia Bảo

Theo Trí thức trẻ

TIN TỨC LIÊN QUAN