Dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối mặt hàng phân bón giai đoạn 2010 – 2020, có xét đến năm 2025 của Cục Hoá chất – Bộ Công thương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường này.
Bị “ép” giá từ bên ngoài
Những ngày qua, khi Trung Quốc – thị trường nhập khẩu phân bón của nước ta nâng thuế xuất khẩu mặt hàng này, ngay lập tức thị trường phân bón nội địa rơi vào… lúng túng. Mới đây, tại một hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối mặt hàng phân bón giai đoạn 2010 – 2020, hầu hết các chuyên gia đều nhận định: Việc bình ổn giá phân bón là rất khó, nguyên nhân chính là bởi chúng ta lệ thuộc quá lớn vào nhập khẩu và sự biến động bên ngoài thị trường quốc nội. Theo ông Nguyễn Huy Phiêu – nguyên Viện phó Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, phân bón là mặt hàng có nguyên liệu phụ thuộc vào dầu khí thiên nhiên, do vậy, giá dầu trên thế giới tăng, đương nhiên giá phân bón cũng sẽ tăng theo. Và như vậy, phân bón phải luôn đối diện với sự biến động của giá.
Nhận định xung quanh vấn đề giá cả, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, hiện nay, nhiều nguyên liệu đầu vào trong nước tăng giá, trong đó có điện cũng đã ảnh hưởng nhiều đến giá thành phân bón. Theo ông Thuý, cần điều chỉnh bằng chính sách thuế. Hiệp hội luôn bám sát thị trường phân bón trong nước và phân bón nhập khẩu để có những đề xuất lên Chính phủ can thiệp khi cần thiết. Khi phân bón trong nước dư thừa thì cho doanh nghiệp được phép xuất khẩu. Đối với các mặt hàng trong nước đã sản xuất đủ thì đề nghị đánh thuế nhập khẩu cao nhằm bảo vệ hàng trong nước, chẳng hạn như N.P.K và phân lân.
Theo ông Phùng Hà – Cục trưởng Cục Hoá chất ( Bộ Công thương), để bình ổn thị trường này, Bộ Công thương đã đưa ra nhiều phương án trong đó chú trọng đầu tư vào hệ thống sản xuất và phân phối phân bón. Đẩy mạnh các dự án đang trong quá trình triển khai như Đạm Ninh Bình hay Dự án Nhà máy DP số 2 sẽ mau chóng khởi công vào năm 2011…
“Cơ hội” cho hàng giả xâm lấn thị trường?
Việc thắt chặt quản lý chất lượng phân bón cũng đang là vấn đề cần được quan tâm. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện 60 doanh nghiệp vi phạm trên cả nước. Các đơn vị này đã cung ứng hàng ra 30 tỉnh, thành. Trong số này, có 3 doanh nghiệp vi phạm nặng đã bị cơ quan chức năng truy tố. “Thông thường phân bón giả, phân kém chất lượng sẽ xuất hiện nhiều khi giá phân bón tăng cao, điển hình như thời điểm năm 2008” – Ông Thuý nhận định.
Xu thế hiện nay trên thế giới thường dùng phân bón hữu cơ chất lượng cao, hạn chế phân bón hóa học. Tuy nhiên, vấn đề kiểm định phân bón cũng gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các đại biểu tham gia hội thảo đều cho rằng, khâu kiểm soát chất lượng khó nhất là phân bón NPK và phân bón vi sinh hỗn hợp. Lực lượng quản lý thị trường dù có đến tận đơn vị các huyện cũng không làm xuể, vì hệ thống máy móc phân tích định giá chất lượng kém, không phát hiện được. Bởi vậy, việc siết chặt và mạnh tay hơn nữa trong việc thu hồi giấy phép các cơ sở sản xuất nhỏ, không đảm bảo chất lượng là việc cần phải làm và làm thật mạnh mẽ.
Còn theo ý kiến của ông Nguyễn Hồng Lam – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn sản xuất phân bón Quế Lâm, chúng ta cần quản lý chặt chẽ hơn nữa quy hoạch sản xuất phân bón đặc biệt là phân bón vô cơ, tránh hiện tượng có nhiều cơ sở sản xuất phân bón nhưng đều không hoạt động hết công suất.
Việc dẹp hẳn hàng nhái, hàng giả phân bón rất khó còn do có quá nhiều đại lý buôn bán nhỏ, lẻ. Theo ông Phùng Hà, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất phân bón đã được ban hành nhưng việc thực thi còn chưa hiệu quả do các mức phạt có biên độ giao động quá lớn giữa các mức độ vi phạm; do không có một hướng dẫn cụ thể để xác định thế nào là phân bón giả và thế nào là phân bón kém chất lượng… Theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý phân bón và quý II năm 2011 sẽ ban hành thông tư hướng dẫn việc thực hiện Nghị định này.