Đổi mới
Trong lịch làm việc bận rộn của những ngày cuối năm, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Lào Cai Nguyễn Thị Kim Yên đã tạm gác lại công việc, ưu ái dẫn chúng tôi xuống Công ty Apatit Việt Nam – một khách hàng “ruột” của cơ quan Thuế do hàng năm đóng góp số thu lớn vào ngân sách. Mở đầu câu chuyện, khi thời gian thực hiện kế hoạch năm 2014 của Công ty chỉ còn tính bằng ngày, Phó Tổng giám đốc Công ty, ông Vũ Mạnh Thái phấn khởi thông báo: Mặc dù trong bối cảnh kinh thế thế giới suy thoái, thị trường xuất khẩu quặng có nhiều biến động, giá nguyên liệu đầu vào tăng và điều kiện khai thác quặng ngày càng khó khăn, nhưng doanh thu cùng các chỉ số sản xuất, kinh doanh và chỉ số kinh tế khác của Công ty vẫn đảm bảo các chỉ tiêu đề ra. Dự kiến, tổng doanh thu của Công ty đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2013, trong đó giá trị kim ngạch xuất khẩu cũng đạt 200 tỷ đồng với các sản phẩm như: Phân trộn NPK các loại, quặng Fenspat, cao lanh, phốt pho vàng, phụ gia các loại…
Tính đến nay Công ty Apatit Việt Nam đã chuyển đổi sang Công ty TNHH một thành viên tròn 10 năm (từ năm 2004) và đã mở ra hướng phát triển mới cho Công ty. Phương châm phát triển mạnh mẽ, toàn diện, vừa mang tính “đột biến” vừa đảm bảo tính bền vững đã được Ban giám đốc Công ty áp dụng triệt để tới trên 3.000 cán bộ, công nhân viên nhằm thay đổi nhận thức và tư duy kinh tế mới trong nền sản xuất hàng hóa với tính tự chủ cao của doanh nghiệp. Nhờ đó, giá trị tổng sản lượng của Công ty trong 10 năm tăng trên 3 lần, doanh thu tăng 9 lần, nộp ngân sách tăng 10 lần, thu nhập bình quân của người lao động tăng trên 5 lần. Chỉ trong 3 năm trở lại đây (2010-2013), toàn Công ty đã có 168 công trình và phần việc gắn với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh, thu nhập người lao động đạt trung bình 10 triệu đồng/tháng.
“Từ một mỏ quặng với các thiết bị khai thác, chế biến thô sơ nhưng sau gần 60 năm, Công ty đã sở hữu 3 nhà máy tuyển quặng lớn nhất cả nước, với hệ thống công nghệ, dây chuyền, trang thiết bị hiện đại và tiên tiến bậc nhất trên thế giới như: Nhà máy tuyển Tằng Loỏng với công suất gần 900.000 tấn/ năm; Nhà máy tuyển Cam Đường công suất gần 200.000 tấn/năm; Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn công suất 400.000 tấn/năm. Nếu như trước kia Công ty chỉ khai thác và tiêu thụ quặng 1 nguyên khai thì nay với công nghệ hiện đại, các nhà máy của Công ty đã khai thác và chế biến các loại quặng tuyển, quặng thành phẩm có chất lượng cao để làm nguyên liệu cho các sản phẩm phân bón, thức ăn chăn nuôi và phục vụ xuất khẩu, góp phần đưa Công ty vào danh sách đơn vị dẫn đầu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam về khai thác và chế biến khoáng sản”- ông Vũ Mạnh Thái cho biết.
Bên cạnh đó, để tiến tới mô hình Tổng công ty đa ngành nghề, đa lĩnh vực, Công ty đã tham gia góp vốn đầu tư với các đối tác như: Công ty CP Điện Lào Cai, Công ty CP Phốt pho Lào Cai, Công ty CP Khoáng sản và Hóa chất Phú Thọ, Công ty CP DAP số 2… theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành nghề, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường và hướng tới xuất khẩu.
Đóng góp lớn vào NSNN
Thương hiệu quặng Apatit của Công ty không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà từ nhiều năm nay đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Những năm 2008-2009, kim ngạch xuất khẩu quặng của Công ty đạt từ 600 đến 700 tỷ đồng nhưng hiện nay do chính sách thay đổi sản lượng xuất khẩu nên hầu hết sản lượng xuất khẩu quặng rất cầm chừng. Tuy nhiên, thay vào đó các sản phẩm mới của Công ty như phốt pho vàng với thương hiệu VINAAPACO đã được xuất sang thị trường các nước như Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand, Australia… Theo ông Vũ Mạnh Thái, nhờ đó các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước của Công ty luôn giữ ở mức 3 con số. Nếu như năm 2012, Công ty nộp ngân sách Nhà nước là 229 tỷ đồng, năm 2013 đã là 261 tỷ đồng và năm 2014 dự kiến cũng bằng năm 2013. Trong 4 năm trở lại đây (2010-2014), Công ty Apatit Việt Nam liên tục đứng trong số 1.000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh việc cải tiến công nghệ để tăng năng suất lao động, Công ty đã chú trọng cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để đảm bảo sức khỏe cho hơn 3.000 công nhân lao động vùng mỏ. Từ những việc làm bình dị như lắp máy điều hòa trên các xe ô tô, máy xúc, máy gạt, máy khoan đến những ứng dụng cao hơn như lắp đặt hệ thống “phun nước tự động dạng sương mù” giúp mặt đường ẩm, giảm bụi khi xe vận chuyển quặng… đảm bảo điều kiện làm việc tốt, tạo phấn khởi để công nhân nhiệt tình làm việc, nâng cao năng suất lao động và sản lượng. Hàng năm Công ty chi cả chục tỉ đồng cho công tác bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động và công tác bảo hộ lao động.
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit đến năm 2020, có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10-2014, tốc độ tăng sản lượng sản phẩm apatit các lọai (quặng nguyên khai và quặng tuyển) bình quân khoảng 9 – 10%/năm (tương đương 11 triệu tấn/năm) giai đoạn đến năm 2020 và duy trì sản lượng ổn định ở các năm tiếp theo, bảo đảm đủ nguyên liệu cho sản xuất phân bón và hóa chất trong nước. Đây sẽ là cơ hội để Công ty có cơ hội phát triển. Trong giai đoạn quy hoạch 2021 – 2030, Công ty cũng sẽ thực hiện khai thác hiệu quả trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật hiện có, tiếp tục đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại và đồng bộ phù hợp với điều kiện mỏ, địa chất nhằm nâng cao chất lượng quặng, tiếp tục sứ mệnh là những người khai thác “vàng nâu” cho đất nước.
Nguồn: Hải quan online