TIN TỨC

Những hậu quả ban đầu của đại dịch COVID-19 đối với thị trường phân bón toàn cầu

Tác động lớn nhất vẫn là những hạn chế và trở ngại về hậu cần, mặc dù những tác động này đôi khi cũng hỗ trợ tăng giá phân bón. Ví dụ, tại Italia nhu cầu và giá urê đã tăng mạnh khi ngành nông nghiệp cần đảm bảo nguồn cung trong bối cảnh những chậm trễ về hậu cần do dịch COVID-19 gây ra. Trái lại, tại Philipin hệ thống hậu cần của các cảng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng phong tỏa, khiến cho hoạt động nhập khẩu urê bị cản trở. Trong khi đó, tại Myanmar hoạt động vận chuyển urê theo hợp đồng đã diễn ra bình thường bất chấp tình trạng phong tỏa kéo dài đến cuối tháng 4.

Về mặt nhu cầu, do những lo ngại về virut corona nên Công ty Aliance One tại Malawi (miền Nam châu Phi) đã hoãn trao hợp đồng thầu các loại phân bón khác nhau dùng cho các trang trại trồng thuốc lá.

Tại Ấn Độ, tình trạng phong tỏa do dịch COVID-19 đã cản trở hoạt động sản xuất và vận chuyển phân bón, dẫn đến sự sụt giảm đáng kể sản lượng urê nội địa. Sản xuất phân bón giảm cũng khiến cho nhà sản xuất quặng phốtphat tại Marốc là Công ty OCP phải ngừng vận chuyển quặng đến Ấn Độ. Dự kiến, hoạt động trên thị trường phân bón tại đây sẽ không được khôi phục đầy đủ trước ngày 20-4.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của người nông dân Mỹ trong bối cảnh các sản phẩm ngũ cốc đang tiếp tục quá trình giảm giá kéo dài. Hơn nữa, các biện pháp phòng chống dịch đã dẫn đến những chậm trễ vận chuyển lên đến 10 ngày tại cảng sà lan ở New Orleans.

Tại Nigiêria, phần lớn các cơ sở phối trộn NPK đã ngừng vận hành, nhưng một số cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động. Chính phủ Nigiêria đã kéo dài tình trạng phong tỏa đến ngày 27-4, tuy phân bón được xếp loại là hàng hóa thiết yếu.

Cũng tại châu Phi, nhà sản xuất phân lân GCT tại Tuynidi đã hoãn việc khởi động dây chuyền DAP thứ hai ở Gabes sau thời gian đóng cửa bảo dưỡng, đồng thời hoãn việc đưa vào vận hành nhà máy mới công suất 400.000 tấn/năm tại Gasfa do tác động của dịch COVID-19.

TIN TỨC LIÊN QUAN