Công nghiệp tăng chậm và nông nghiệp suy giảm
Quý I/2016 ghi nhận ngành xây dựng tăng 9,94% là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010 đến nay. Ngành dịch vụ tăng 6,12% là mức tăng trưởng khá và trùng với xu hướng tăng mạnh thu hút FDI vào lĩnh vực này.
Ngành thủy sản đánh bắt biển tăng 3,9% và nuôi trồng tăng 1,9% nhờ mô hình Nghiệp đoàn nghề cá, các tổ khai thác biển, tổ hợp tác khai thác hải sản và các đội dịch vụ hậu cần nghề cá, cùng với giá xăng dầu ở mức thấp làm giảm chi phí khai thác, tất cả đã khuyến khích bà con tích cực ra khơi bám biển.
Tuy nhiên, mức tăng chậm hơn so cùng kỳ năm trước đã xuất hiện cả ở GDP (tăng 5,46% so mức tăng 6,12% năm 2015) và ngành công nghiệp (tăng 6,2%, chỉ bằng 2/3 so mức tăng 9,27% năm 2015). Tại thời điểm 1-3-2016, Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,7% và Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân hai tháng đầu năm là 78,2% so cùng thời điểm năm 2015. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 5,9% so cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm tới 1,23% (nông nghiệp giảm 2,69%); Sản lượng lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long và sản lượng cây trồng vụ đông ở miền bắc, diện tích gieo trồng hoa màu (ngô, khoai lang, đỗ tương) đều sụt giảm, chỉ bằng 97 – 77% so cùng kỳ năm trước (trừ rau đậu tăng 3,8%) do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại, khô hạn và nhiễm mặn. Đàn trâu cả nước giảm 2%; đàn bò tăng khoảng 1% (bò sữa tăng 8%); đàn lợn tăng 2,3%; đàn gia cầm tăng 2%.
Diện tích rừng trồng tập trung cả nước giảm 2,3%, trong khi diện tích rừng bị thiệt hại cao gấp 5,1 lần cùng kỳ năm trước (bị cháy là 726 ha, gấp 9,8 lần và bị chặt, phá tăng 13,6%). Hiện tượng tăng giá thu mua và giảm sút sản lượng thóc gạo trong nước đang và sẽ ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu lúa gạo đang có xu hướng cải thiện do nhu cầu thế giới tăng mạnh trong năm 2016 và tới đây.
Khu vực doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, nhưng còn nhiều khó khăn
Trong quý I/2016, cả nước có 23.767 DN đăng ký thành lập mới (tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2015), với tổng vốn đăng ký là 186 nghìn tỷ đồng (tăng 67,2%). Vốn đăng ký bình quân một DN tăng 34,5%. Số lao động dự kiến được tạo việc làm tăng 21,5%. Đồng thời, có 9.376 DN quay trở lại hoạt động (tăng 84,1%); 2.919 DN giải thể (tăng 13,8%); 20.044 DN tạm ngừng hoạt động (tăng 23,9%).
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2016 cho thấy: Có 29,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I năm nay khả quan hơn quý trước; 27,1% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 43,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Dự kiến quý II so với quý I năm nay, có 53,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 11,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Quy mô thị trường trong nước cũng thiếu động lực, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2016 tăng 9,1% so cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 7,9%, thấp hơn mức tăng 9,2% của cùng kỳ năm trước, do chỉ số giá bình quân quý I-2016 cao hơn chỉ số giá của cùng kỳ năm 2015.
Quý đầu năm 2016 báo hiệu một năm khá thuận lợi cho ngành du lịch cả nước khi lượng khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 2.459,2 nghìn lượt người, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 1.986,6 nghìn lượt người, tăng 16,8%; đến bằng đường bộ đạt 435,6 nghìn lượt người, tăng 50,5%; đến bằng đường biển đạt 37 nghìn lượt người, giảm 40,1%. Lượng khách tăng cả từ châu Á (tăng 25%); châu Âu (tăng 11%); châu Mỹ (tăng 11,4% và châu Úc (tăng 4,3%); riêng khách từ châu Phi giảm 9,5%.
Thị trường tài chính ổn định, đầu tư xã hội tăng khá, FDI bùng nổ
Tính đến thời điểm 21/3/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,08% so cuối năm 2015 (tức tăng gấp rưỡi mức 2,09% cùng kỳ năm trước). Huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,26% (cùng kỳ năm trước tăng 0,94%); tăng trưởng tín dụng đạt 1,54% (cùng kỳ năm trước tăng 1,25%). Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước tính quý I/2016 tăng 20% so cùng kỳ năm 2015.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I năm nay theo giá hiện hành ước tính đạt 273,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so cùng kỳ năm trước (cao hơn so mức tăng cùng kỳ 9,7% năm 2015 và 8,8% năm 2014) và bằng 32,2% GDP. Tuy nhiên, việc mức tăng vốn đầu tư xã hội cao hơn, trong khi mức tăng GDP thấp hơn cùng kỳ năm ngoái cho thấy có sự giảm sút hiệu quả đầu tư xã hội nói chung.
Tổng thu NSNN tính đến 15/3/2016 ước đạt 182,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18% dự toán năm. Tổng chi NSNN ước tính đạt 227,7 nghìn tỷ đồng, bằng 17,9% dự toán năm. Điều này cho thấy, cân đối NSNN đang được kiểm soát khá tích cực nhờ những chỉ đạo quyết liệt và tăng thu, tiết kiệm chi của Chính phủ, trong bối cảnh nợ công đang đội trần cho phép…
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2016 tăng 0,57% so tháng trước, tăng 0,99% so tháng 12-2015 và tăng 1,69% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I năm nay tăng 1,25% so bình quân cùng kỳ năm 2015, tuy cao hơn so mức tăng 0,74% của cùng kỳ năm trước (chủ yếu do tác động của giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục tăng), nhưng thấp hơn nhiều so mức tăng CPI trong quý I của một số năm gần đây.
Lạm phát cơ bản tháng 3/2016 giảm 0,09% so tháng trước và tăng 1,64% so cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân ba tháng đầu năm 2016 tăng 1,76% so bình quân cùng kỳ năm 2015. Mức lạm phát này không cao, nhưng tăng so cùng kỳ năm ngoái và tạo áp lực kiểm soát lạm phát dưới 5% theo kế hoạch mục tiêu…
Chỉ số giá vàng tháng 3-2016 tăng 4,87% so tháng trước; tăng 7,79% so tháng 12/2015; tăng 0,83% so cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá USD tháng 3/2016 giảm 0,38% so tháng trước; giảm 0,84% so tháng 12/2015; tăng 4,26% so cùng kỳ năm 2015. Đây là mức chấp nhận được và ngày càng mang tính thị trường hơn…
FDI từ đầu năm đến 20/3/2016 thu hút được 473 dự án mới (tăng 77,2% so cùng kỳ năm 2015), với số vốn đăng ký đạt 2.740,4 triệu USD (tăng 125,2%). Đồng thời, có 203 lượt dự án bổ sung vốn tổng cộng 1.285,9 triệu USD.
Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 4.026,3 triệu USD, tăng 119,1% và FDI thực hiện đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2015. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI nhiều nhất (72,2%).
Sau nhiều năm, Hà Nội quay trở lại vị trí địa phương trong số 37 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, với 250,6 triệu USD, chiếm 9,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 513,5 triệu USD, chiếm 18,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; Ngày 30/3, UBND TP Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam có vốn đầu tư 300 triệu USD, đưa vào hoạt động từ tháng 1/2020, thu hút khoảng 4.000 lao động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao. Tập đoàn Samsung hiện là một trong số các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư lớn vào Việt Nam với số vốn hơn 14 tỷ USD, tạo ra khoảng 100 nghìn việc làm.
Xuất siêu trở lại và cải thiện cơ cấu nhập khẩu
Tính chung quý I/2016, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 37,9 tỷ USD, tăng 4,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 0,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 27,1 tỷ USD, tăng 5,8%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I đạt 39,8 tỷ USD, tăng 9,3% so cùng kỳ năm 2015.
Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I năm nay không có nhiều thay đổi so cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 7,9 tỷ USD, tăng 11,1% so cùng kỳ năm 2015. Xuất sang Trung Quốc ước tính đạt 3,9 tỷ USD, tăng 8,2%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I ước đạt 37,1 tỷ USD, giảm 4,8% so cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá, đạt 40,7 tỷ USD, tăng 4,4%. Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 91,9% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (tăng so cùng kỳ năm 2015).
Nhóm hàng tiêu dùng ước đạt 3 tỷ USD, giảm 6,3%. Trừ Hàn Quốc, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ hầu hết các thị trường lớn đều giảm so cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với 10,4 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I-2016, xuất siêu 776 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,05 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,83 tỷ USD. Nhập siêu dịch vụ là 810 triệu USD.
Với kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu cùng tính theo giá FOB (Loại trừ 2,02 tỷ USD dịch vụ vận tải được tính vào nhập khẩu dịch vụ) thì cân đối thương mại hàng hóa và dịch vụ xuất siêu khoảng 1,98 tỷ USD, trong đó hàng hóa xuất siêu 2,79 tỷ USD, dịch vụ nhập siêu 0,81 tỷ USD.
Về tổng thể, theo báo cáo ngày 30-3 của ADB tại Việt Nam, kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ ổn định trong năm 2016 với mức tăng trưởng 6,7% và ở mức 6,5% trong năm 2017. Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam là từ gia tăng FDI, quy mô tiêu dùng và tổng cầu trong nước, cùng với các chính sách cải thiện môi trường đầu tư.
Theo một nghiên cứu quốc tế khác, Việt Nam hiện đang là một trong các quốc gia dẫn đầu thế giới (vị trí thứ tư trên tổng số 149 quốc gia được đưa vào nghiên cứu) về năng lực chuyển đổi mức độ thịnh vượng về mặt kinh tế sang chất lượng cuộc sống của người dân.
Chỉ số GDP đầu người (dựa trên cân bằng sức mua) chỉ đạt 5.200 USD nhưng Việt Nam lại thuộc nhóm quốc gia có biểu đồ phát triển ổn định, có khả năng đạt chất lượng sống ngang bằng với các quốc gia có GDP tính theo đầu người trung bình đạt 10.000 USD.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó tập trung chủ yếu vào ba lĩnh vực là lao động – việc làm, dịch vụ công và quản trị nhà nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển thị trường lao động; tìm kiếm và quản lý nguồn vốn, giảm nợ công trong khi thực hiện hiện đại hóa lĩnh vực hạ tầng để duy trì đà phát triển và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc tế; tăng cường khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu; cải cách DNNN sâu rộng hơn, nhằm gỡ bỏ những ảnh hưởng méo mó mà các doanh nghiệp này gây ra cho nền kinh tế; tăng cường sức mạnh hệ thống ngân hàng, nhất là xử lý nợ xấu. Việc triển khai hành động cụ thể này sẽ là một chặng đường dài trong hành trình chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp dựa vào nhân công giá rẻ trở thành một nền kinh tế phát triển dựa vào nền tri thức hiện đại…
Nguồn: nhandan.com.vn