Việc giá dầu – nguồn thu lớn trong ngân sách của Nga, sụt giảm trong thời gian qua, cộng với lệnh trừng phạt kinh tế từ Liên minh châu Âu (EU), kinh tế Nga đang thực sự khó khăn.
Đồng rúp đã tụt giá có lúc hơn một nửa so với USD. Điều này tạo ra làn sóng mua sắm, quy đổi ngoại tệ và cắt bớt chi phí sinh hoạt cũng như nhiều biến chuyển trong xã hội Nga.
Cách một người Nga dùng tiền thời điểm này thực sự đáng tham khảo cho mọi nơi. The Moscow Times tuần trước đã có bài viết về vấn đề kể trên.
“Tôi phải làm gì với số tiền tiết kiệm trong tay?” là câu hỏi thường xuyên trong 6 tháng qua tại Nga. Nó thường liên quan tới khoản tiền từ 10.000 USD đến 100.000 USD mà tầng lớp trung lưu ở Nga dành dụm từ tiền lương của họ, những người kiếm 150.000 rúp/tháng trở lên.
Đầu năm nay, việc đổi tiền rúp sang USD là một làn sóng, nhưng bây giờ tình thế đã thay đổi.
Một người Nga có 3 lựa chọn: Giữ tiền ở dạng USD, giữ tiền ở dạng euro hoặc mua một căn hộ với số tiền ấy. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giữ tiền.
Đơn giản nhất là không nên giữ đồng rúp trong người khi viễn cảnh tiếp tục trượt giá đang hiển hiện.
Cũng giống giai đoạn 1990, người Nga không thể mua hàng trong nước khi hàng nhập khẩu gắn liền với tỷ giá hối đoái. Thay vào đó họ sẽ mang tiền ra nước ngoài mua quần áo, điện thoại, thực phẩm…
Khó khăn sẽ xuất phát từ chính thực tế đó. Bởi trong khi muốn tiết kiệm và giữ tiền, người dân cũng phải đáp ứng các nhu cầu cơ bản của chính mình. Theo ước tính của The Moscow Times, tiền lương hiện tại vẫn chỉ đủ cho một người sống tốt khoảng 2-3 năm (như thời gian dự kiến kinh tế nước Nga không sáng sủa hơn hiện tại). Dĩ nhiên với ai đó mất việc, đó sẽ là thảm họa.
Trong bối cảnh ấy, việc mua tài sản để giữ ngoại tệ là giải pháp trước mắt. Nếu sở hữu một căn hộ hoặc thuê nhà, điều này không mang lại lời lãi nhiều, song sẽ giúp người dân “lưu giữ” số tiền của họ. Đó là cách tốt hơn so với việc mang tiền gửi vào ngân hàng, vì nó ít nhất cũng tránh được nguy cơ chính phủ ra lệnh điều tiết, chẳng hạn buộc phải quy đổi tất cả ngoại tệ trong ngân hàng thành đồng rúp.
Như vậy, chốt lại có hai điều người Nga đã và đang làm: Cố gắng giữ tiền ở dạng ngoại tệ (tốt hơn là USD thay vì một đồng euro cũng đang bất ổn) và giữ nó bằng cách mua bất động sản, hoặc cái gì đó giá trị, ít bị mất giá.
Theo Giang Lang
Doanh nhân Sài Gòn