TIN TỨC

Nâng cao năng lực quản lý hóa chất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Trong 2 ngày 1-2/12/2020 tại Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế Thương mại Nhật Bản (METI), Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) và Hội Hóa học Việt Nam (CSV), Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam (VRCC) cùng Hiệp hội đào tạo kỹ thuật nước ngoài (AOTS/METI) của Nhật Bản đã phối hợp tổ chức lớp đào tạo chuyên sâu về Phân loại hóa chất theo GHS, lập phiếu an toàn hóa chất và nhãn hóa chất dựa trên GHS (Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất).

Khóa đào tạo sẽ thực hiện kết hợp giữa hình thức trực tuyến (phần trình bày của các giáo viên AOTS Nhật Bản) và hình thức trực tiếp (phần trình bày của chuyên gia Hội Hóa học Việt Nam). Gần 100 học viên là đại diện các tổ chức, doanh nghiệp hóa chất trong nước đã tới tham dự lớp tập huấn.

Nâng cao năng lực quản lý hóa chất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ông Lê Quốc Khánh – Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam phát biểu tại khóa học

Phát biểu khai mạc khóa đào tạo, ông Lê Quốc Khánh – Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam, khóa đào tạo được sự hưởng ứng tích cực của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, sơn… Theo đó, tất cả các vấn đề chuyên môn sẽ được các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Phân loại hóa chất theo GHS đến từ Nhật Bản và Việt Nam trao đổi trực tiếp.

Về phía Cục Hóa chất, ông Nguyễn Xuân Sinh- Phó Cục trưởng nhấn mạnh, trước đó trong Khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác về Quản lý hóa chất giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho giai đoạn 2 (từ năm 2015 – 2020) nhằm tăng cường năng lực quản lý hóa chất tại Việt Nam, bao gồm 03 hoạt động chính: “Diễn đàn đối thoại chính sách” được tổ chức hàng năm để chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý hóa chất của Nhật Bản và xu hướng quản lý hóa chất thế giới, đồng thời đánh giá kết quả đạt được trong năm và định hướng hợp tác trong năm tiếp theo.

Tiếp đó là Dự án “Tăng cường năng lực quản lý hóa chất cho Việt Nam” do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ nhằm xây dựng dự thảo Danh mục Hóa chất quốc gia, xây dựng khung cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia, hiện nay cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia CSDLHC đang hoạt động như một công cụ hữu ích trong quản lý hóa chất.

Nâng cao năng lực quản lý hóa chất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ông Nguyễn Xuân Sinh- Phó Cục trưởng Cục Hóa chất trao đổi tại khóa học

Hoạt động tiếp theo là tổ chức các hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực và quản lý hóa chất cho các Bộ ngành và doanh nghiệp liên quan đến hóa chất. Với nội dung này, Bộ Công Thương Nhật Bản đã giao nhiệm vụ cho Hiệp hội hợp tác kỹ thuật và đối tác bền vững nước ngoài (AOTS) là đơn vị đầu mối triển khai thực hiện. Bộ Công Thương Việt Nam thông qua Cục Hóa chất đã giới thiệu Hội hóa học Việt Nam là đơn vị phối hợp với AOTS để thực hiện các khóa đào tạo về GHS.

Chuỗi hội thảo và các khóa đào tạo về GHS trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác về Quản lý hóa chất giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp Nhật Bản đã được thực hiện hàng năm từ năm 2012 đến nay với sự tham dự của các cán bộ Việt Nam đến từ các Bộ/ngành, các Sở Công Thương và các doanh nghiệp, cơ sở hóa chất trong phạm vi cả nước.

Nâng cao năng lực quản lý hóa chất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Khóa đào tạo GHS với gần 100 học viên là đại diện các tổ chức, doanh nghiệp hóa chất trong nước tham dự .

Trong 2 ngày hội thảo, khóa đào tạo GHS cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tổ chức với mục đích cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho cộng đồng doanh nghiệp thực hiện Điều 23 và 24 Luật Hóa chất về giao trách nhiệm phân loại, ghi nhãn, xây dựng Phiếu an toàn hóa chất cho các tổ chức cá nhân sản xuất, nhập khẩu hóa chất vào Việt Nam. Đáng chú ý, khóa đào tạo sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp hoạt động hóa chất tại khu vực phía Bắc những hướng dẫn kỹ thuật cụ thể hỗ trợ phân loại và ghi nhãn hóa chất theo GHS.

Bên cạnh đó, các giáo viên AOTS Nhật Bản với phần trình bày trực tuyến cũng đưa ra phương pháp truy cập dữ liệu phân loại theo GHS. Đưa ra kinh nghiệm phân loại GHS tại châu Âu, Nhật Bản, Malaysia… để các học viên Việt Nam có thể học hỏi.

Với những nội dung hợp tác trong trao đổi thông tin, các hội thảo, đào tạo nhân sự và các hoạt động khác trong lĩnh vực quản lý hóa chất giữa hai bên, ông Nguyễn Xuân Sinh khẳng định, cùng sự giúp đỡ của Bộ Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp Nhật Bản, Cục Hóa chất sẽ phát huy nội lực của mình để thực hiện tốt nhất các cam kết và nội dung trong Bản ghi nhớ, giúp ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển theo hướng bền vững thân thiện môi trường, góp phần đưa Việt nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong thời gian tới.

Nguồn: congthuong.vn

TIN TỨC LIÊN QUAN