TIN TỨC

Dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến thị trường phân bón trong vài năm tới

Tình hình thị trường Sau thị trường nông sản, thị trường phân bón tại Mỹ đã trở thành nạn nhân tiếp theo của dịch COVID-19 trong năm 2020, khi sự suy giảm nhu cầu nhiên liệu (kể cả nhiên liệu sinh học) làm giảm nhu cầu ngô dùng cho sản xuất etanol. Nông dân Mỹ đang phải vật lộn với lượng ngô tồn kho tăng cao và giá rớt mạnh trong bối cảnh các biện pháp ngăn chặn dịch khiến cho ngành năng lượng phải cắt giảm sản xuất.

Mùa hè vừa qua, lượng đơn đặt hàng phân bón cho vụ gieo trồng mùa thu tại Mỹ đã giảm mạnh so với năm trước do thu nhập của người nông dân giảm sút và diện tích gieo trồng ngô dự kiến sẽ bị cắt giảm.

Trên thực tế, lượng phân bón mà người nông dân Mỹ có thể mua với thu nhập từ một giạ ngô đã giảm mạnh, do giá phân bón không giảm nhanh như giá ngô.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nông dân trồng ngô tại đây sẽ mất ít nhất 1,37 tỷ USD thu nhập do nhu cầu ngô của ngành sản xuất etanol giảm 8% so với vụ mùa trước. Bộ Thông tin năng lượng Mỹ cho biết, trong tháng 4/2020 sản lượng etanol tại nước này đã giảm một nửa so với sản lượng tháng 1 khi nhu cầu nhiên liệu giảm vì các biện pháp phong toả và giãn cách xã hội ở nhiều bang. Tiêu thụ ngô vì vậy cũng giảm với tốc độ tương tự.

Sản xuất etanol tại Mỹ đã bắt đầu hồi phục trong tháng 5/2020 và giá ngô cũng hồi phục từ mức thấp nhất trong 4 năm qua. Tuy nhiên, thiệt hại do dịch gây ra đã quá lớn, lượng ngô tồn kho tăng lên mức cao nhất trong vòng 33 năm qua, gây áp lực lên những kế hoạch gieo trồng ngô trong vụ mùa tới.

Tại Pakistan, Hội đồng Phát triển phân bón quốc gia cảnh báo nhu cầu urê và các loại phân bón khác cho mùa vụ 2020-2021 sẽ bị ảnh hưởng nếu các biện pháp phong toả vì dịch COVID-19 vẫn tiếp tục. Tiêu thụ phân bón tại đây đã giảm gần 4% trong thời gian từ tháng 10-2019 đến tháng 3/2020, chủ yếu do tác động của chính sách phong toả nhằm phòng chống dịch.

Hoạt động sản xuất DAP tại Ấn Độ đã phải tạm ngừng do dịch COVID-19 khiến cho nhập khẩu tăng mạnh đến 260.000 tấn DAP, trong bối cảnh các nhà sản xuất phân bón ở nhiều nơi khác trên thế giới đang phải đứng trước tình hình nhu cầu suy giảm.

Tại Trung Quốc, sự sụt giảm sản lượng DAP khiến cho nhập khẩu lưu huỳnh trong quý I chỉ đạt 2,17 triệu tấn, giảm 24% so với năm trước. Nhu cầu lưu huỳnh giảm trong bối cảnh hàng tồn kho cao và các nhà máy phốtphat phải đóng cửa vì dịch COVID-19.

Mặt khác, các biện pháp ngăn ngừa dịch COVID-19 tại Mỹ đã tiếp tục gây áp lực lên nhu cầu axit sunphuric công nghiệp. Một số nhà sản xuất ôtô dự định sẽ khởi động lại các nhà máy đã đóng cửa trong tháng 5, làm tăng triển vọng tiêu thụ axit sunphuric công nghiệp trong ngành sản xuất ôtô những tháng tới. Nhưng nhu cầu xăng giảm sẽ ảnh hưởng bất lợi đến nhu cầu axit sunphuric.

Nguồn cung phân bón

Về phía nguồn cung, phần lớn các nhà sản xuất urê nội địa cũng như các nhà sản xuất NPK của Ấn Độ đã tái khởi động nhà máy sau các đợt phong toả.

Trong quý I/2020 xuất khẩu DAP của Trung Quốc giảm 27% so với năm trước, chủ yếu do các biện pháp phòng chống virut corona cũng như do sản lượng giảm và trở ngại về hậu cần ở các cảng.

Nhà máy NPK mới của Công ty Iskenderun Gubre tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được đưa vào vận hành trong tháng 5/2020 với công suất 300.000 tấn NPK/năm, sau nhiều lần bị trì hoãn, chủ yếu do sự bùng phát của dịch COVID-19.

Nhà máy thứ hai của Công ty sản xuất phân bón GCT Gabe tại Tuynidi đã được đưa vào vận hành và hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm. Sản xuất thương mại dự kiến sẽ bắt đầu trong thời gian tới, trong bối cảnh các biện pháp phong toả vì dịch COVID-19.

Trên thị trường lưu huỳnh, Công ty Katanga Mining với dự án khai thác đồng và cobalt tại Cộng hòa Công-gô sẽ trì hoãn đưa vào vận hành lò đốt lưu huỳnh do các vấn đề về nhân công và hậu cần trong bối cảnh dịch COVID-19. Lò đốt này có công suất khoảng 240.000 tấn lưu huỳnh/năm.

Các biện pháp hậu cần

Các biện pháp hạn chế về hậu cần tuy vẫn tiếp tục nhưng đã dần được cải thiện, ngoại trừ Đông Nam Á, nơi các chính phủ đang mở rộng các biện pháp phong toả nhằm kiềm chế sự bùng phát của dịch COVID-19, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu nguyên liệu phân bón. Một trường hợp ngoại lệ là Việt Nam, nơi đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội sau khi không phát hiện trường hợp lây nhiễm mới trong nhiều ngày liên tiếp.

Triển vọng thị trường

Tháng 5/2020, Hiệp hội phân bón quốc tế (IFA) đã đưa ra dự báo về nhu cầu phân bón toàn cầu trong thời gian 2020-2021 và đây không phải là những tin vui đối với các nhà sản xuất phân bón thế giới.

Sự kết hợp giữa tình hình kinh tế nông nghiệp bất lợi và những rối loạn về hậu cần do đại dịch COVID-19 cùng với các đợt phong toả liên quan sẽ khiến cho nhu cầu phân bón toàn cầu giảm xuống 184,4 triệu tấn trong thời kỳ từ tháng 6-2020 đến tháng 6/2021, tương ứng mức giảm gần 3%.

Hơn nữa, IFA dự báo sản xuất phân bón toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm trong thời gian từ nay cho đến năm 2024. Tăng trưởng dân số chậm lại cũng như nhu cầu thực phẩm giảm do tình hình kinh tế đình trệ trong bối cảnh các biện pháp phong toả vì dịch COVID-19 khiến cho nhu cầu phân bón chỉ tăng trưởng dưới 1%/năm so với mức trung bình 3 năm trước.

Nhưng còn có các tin xấu tiếp theo đối với các nhà sản xuất phân bón. Giá tất cả các loại phân bón nhìn chung đã suy yếu trong năm trước do tình trạng cung vượt cầu các chất dinh dưỡng cây trồng. Nay dịch COVID-19 khiến cho các nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với nhu cầu thấp hơn nữa trong một vài năm tới.

Tuy nhiên, tác động của dịch COVID-19 thay đổi khác nhau tuỳ theo vị trí địa lý, thị trường và vị trí trong chuỗi cung ứng của các công ty tham gia thị trường phân bón.

Nguồn: Vinachem

TIN TỨC LIÊN QUAN