TIN TỨC

Đi khám chữa bệnh, người dân không cần mang giấy tờ

Tại hội nghị Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam diễn ra chiều 13-7, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của ngành và đến nay đã đạt những kết quả ban đầu, được người dân cũng như Chính phủ đánh giá cao.

“Chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược nhằm giúp ngành phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0. Công cuộc chuyển đổi số của ngành có khối lượng công việc rất lớn nên cần có lộ trình, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, lấy người dân, người lao động, người sử dụng lao động làm trung tâm. Bên cạnh việc chuyển đổi số của toàn ngành, mỗi đơn vị, cán bộ trong ngành cũng cần có sự chuyển đổi để phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”- ông Mạnh yêu cầu.

Theo ông Lê Nguyên Bồng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (BHXH Việt Nam) với vai trò là cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia về bảo hiểm, đến nay, BHXH Việt Nam đã tích cực chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành liên quan.

Trong đó, đã hoàn thiện Quy chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL của BHXH Việt Nam với CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý; hoàn tất việc kết nối và đã khai thác được dịch vụ xác thực thông tin từ CSDL quốc gia về dân cư qua nền tảng NGSP do Bộ Thông tin truyền thông quản lý…

Theo ông Bồng, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư nhằm thực hiện xác thực đối với thông tin nhân khẩu thuộc CSDL hộ gia đình tham gia BHYT (đối với các trường hợp có dữ liệu trong CSDL quốc gia về dân cư); qua đó rà soát, đối chiếu, chuẩn hóa dữ liệu nhân khẩu trong dữ liệu của BHXH Việt Nam.

BHXH Việt Nam đã thực hiện rà soát, đối chiếu được 8,1 triệu thông tin cá nhân từ CSDL Quốc gia về dân cư. Đặc biệt, vừa qua, BHXH Việt Nam đã chính thức triển khai xác thực thông tin công dân từ CSDL quốc gia về dân cư khi công dân đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam và trên ứng dụng VssID.

“Qua bước xác thực trên sẽ làm tăng tính chính xác của thông tin, do đối chiếu được với thông tin gốc. Mặt khác, cá nhân cũng không cần phải cập nhật ảnh căn cước công dân đính kèm, cơ quan BHXH không phải lưu giữ ảnh căn cước công dân (CCCD), qua đó giảm nguy cơ lộ lọt thông tin, giấy tờ cá nhân. Đến thời điểm này, đã có khoảng 400.000 lượt đăng ký được xác thực”- ông Bồng nói.

Cũng theo BHXH Việt Nam, từ khi ra mắt đến nay, ứng dụng VssID đã không ngừng được cải tiến, nâng cấp. Hiện ứng dụng có nhiều tính năng, tiện ích phục vụ linh hoạt các nhu cầu thông tin thiết yếu của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN như: cung cấp các thông tin về thẻ BHYT; quá trình tham gia BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN), BHYT; thông tin hưởng các chế độ một lần (ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN); sổ khám chữa bệnh cung cấp lịch sử khám chữa bệnh BHYT của người tham gia…

Ứng dụng VssID còn cung cấp các tiện ích tra cứu: Mã số BHXH; cơ quan BHXH; cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT; cơ sở KCB cấp giấy nghỉ hưởng chế độ BHXH; đơn vị tham gia BHXH; điểm thu, đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình…

Sau 2 lần nâng cấp, ứng dụng VssID đã có thêm nhiều tính năng tiện dụng như: cho phép người dùng đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH (đăng ký trên ứng dụng, không qua Cổng DVC; hỗ trợ tra cứu, quét mã QR thẻ BHYT/thẻ CCCD để tự động điền các thông tin mã số BHXH, họ tên, số CCCD, địa chỉ; bổ sung lựa chọn gửi email tờ khai…);… Đồng thời, cho phép người dùng đăng ký tài khoản giao dịch điện tử cho con dưới 18 tuổi; tính năng hiển thị hình ảnh cá nhân tại màn hình “Sử dụng thẻ BHYT” giúp việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để KCB thêm thuận tiện, chặt chẽ…

Đến nay, cả nước đã có hơn 11,2 triệu lượt tải và cài đặt ứng dụng VssID. Thời gian tới, BHXH Việt Nam phấn đấu tiến tới triển khai 100% dịch vụ công trên ứng dụng VssID; tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên ứng dụng.

Đề xuất sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thẻ BHYT

BHXH Việt Nam cho biết ngành đang rà soát rút gọn quy trình, cải cách thủ tục hành chính để bỏ các yêu cầu đính kèm giấy tờ tùy thân đối với cá nhân đã được xác thực thông tin; đề xuất cho phép sử dụng CCCD có gắn chíp thay thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh; ứng dụng công nghệ sinh trắc xác thực vân tay của người dân trên thẻ CCCD gắn chíp vào việc chống lạm dụng BHXH, BHYT…

Nguồn tin: Người lao động.

TIN TỨC LIÊN QUAN