TIN TỨC

Đẩy mạnh tái cấu trúc các Tập đoàn thuộc Bộ Công Thương

 Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 8/2012, các TCT 90 và các DN trực thuộc Bộ đã đăng ký tiết giảm chi phí 6.759 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký cam kết cắt giảm 1.800 tỷ đồng, PVN ký cam kết cắt giảm 3.175 tỷ đồng; Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) ký cắt giảm 986 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ký cắt giảm 137 tỷ đồng… Riêng các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ đã tiết kiệm được 10,698 tỷ đồng.

Việc tiết giảm chi phí bên cạnh việc giúp DN tiết kiệm tài chính còn giúp tinh gọn bộ máy sản xuất, từ đó sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. TS. Trần Xuân Hòa – Chủ tịch HĐTV Vinacomin cho biết: Tôi cho rằng, tái cấu trúc là một yêu cầu bức bách, bởi đó là sự tồn tại. Đến nay, khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu đã chỉ rõ, DN không còn tiềm năng để phát triển bề rộng nữa, mà cần phải phát triển chiều sâu.

Đối với Vinacomin, thời gian tới, việc phát triển theo chiều sâu sẽ tập trung vào việc đầu tư kỹ thuật, khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác than, đặc biệt là khai thác than hầm lò. Bên cạnh đó, Vinacomin xác định tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính đó là: than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ và cơ khí sửa chữa chế tạo. Riêng đối với các lĩnh vực khác ngoài ngành nghề kinh doanh chính như bảo hiểm, bất động sản… từ nay đến 2015 sẽ thoái vốn, thậm chí có lĩnh vực sẽ rút hết vốn.

Riêng với PVN, mới đây, trong cuộc họp tái cơ cấu PVN, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: Để tái cấu trúc PVN, thời gian tới, PVN sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là: thăm dò khai thác dầu khí, lọc – hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao, trong đó thăm dò khai thác dầu khí là cốt lõi.

Tất cả các lĩnh vực khác không thuộc 5 lĩnh vực trên sẽ được PVN xây dựng lộ trình thoái vốn đến năm 2015. Với khoảng 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành, PVN đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ thoái xong vốn tại các lĩnh vực ngoài ngành.Sau tái cơ cấu, PVN sẽ còn 14 DN cấp 2. Các TCT cũng tập trung vào 5 nhiệm vụ chính như đã nói ở trên. Các DN sau khi bị thoái vốn sẽ không còn được mang thương hiệu PVN nữa.

Với EVN, việc tái cấu trúc EVN tập trung vào 3 nội dung chính: Tái cơ cấu ngành nghề; Tái cơ cấu về sở hữu và đổi mới quản trị DN nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Cụ thể, EVN sẽ tập trung vào lĩnh vực chính là sản xuất kinh doanh điện và đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, rút khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành thông qua việc chuyển nhượng cổ phần, rút vốn. Về tái cơ cấu sở hữu, EVN đang xin ý kiến Thủ tướng cho bán tiếp cổ phần đang nắm giữ tại các công ty phát điện đã cổ phần hoá mà nhà nước không nắm giữ cổ phần như Cty cổ phần thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, Thủy điện Thác Bà, Thác Mơ, Nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh… Nguồn vốn thu được sẽ tập trung đầu tư nguồn và lưới điện. Cùng với đó sẽ tập trung thành lập các TCT phát điện, trước mắt trực thuộc EVN, EVN chịu trách nhiệm về vốn, sau đó sẽ tách ra và cổ phần hóa vào thời điểm thích hợp.

EVN cũng cho biết, sẽ xây dựng lại chiến lược phát triển tập đoàn giai đoạn 2011-2015, đổi mới chức năng, nhiệm vụ, phương thức quản lý của công ty mẹ, tăng tính chủ động, trách nhiệm của tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), ông Lê Tiến Trường – Phó Giám đốc Vinatex cho biết: Qua 15 năm phát triển lấy phát triển khâu sau (may mặc) là trung tâm để tạo ra chỗ đứng trên thị trường quốc tế, đến nay chiến lược của ngành cần có bước chuyển đó là chuyển từ tập trung nhiều vào khâu sau, sang tập trung cả đầu tư thượng nguồn, đầu tư thiết kế, và đầu tư cho thương hiệu và kênh phân phối. Việc này được kỳ vọng sẽ đưa dệt may Việt Nam lên nấc thang giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị của dệt may toàn cầu. Về việc thoái vốn, đến năm 2015, số vốn khoảng 225 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào 7 ngân hàng và 1 công ty chứng khoán của Vinatex sẽ được thoái hết.

Để thực hiện việc tái cấu trúc, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết: Trong năm 2012, khối Công ty mẹ – Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và 24 DN thành viên đã đăng ký tiết giảm chi phí với tổng số chi phí tiết giảm là 230 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vinachem đã triển khai kế hoạch sắp xếp lại DN giai đoạn 2012-2015 với các phương án cụ thể sau: Tiếp tục cổ phần hóa một số DN; Thành lập mới DN; Thành lập đơn vị sự nghiệp; Thực hiện thoái vốn của Tập đoàn tại một số công ty; Dự kiến cuối năm 2015 sẽ phân loại danh mục DN nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Với một tập đoàn kinh doanh đa ngành như Petrolimex, ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tích Hội đồng quản trị cho biết: Hoạt động của Petrolimex là hoạt động đa ngành, xăng dầu làm trục chính, nhưng đa ngành này vẫn liên quan chặt chẽ đến hoạt động kinh doanh xăng dầu. Vì vậy, năm 2011, tại Quyết định số 828/QĐ-TTg ngày 30/5/2011, Chính phủ phê duyệt Đề án của Petrolimex và cho phép Petrolimex tái cấu trúc để trở thành Tập đoàn đa sở hữu.

Trên cơ sở cấu trúc lại các công ty cùng nhóm ngành nghề lại thành TCT, Petrolimex sẽ có 6 TCT, trong đó có 3 TCT thành lập mới đó là: TCT Vận tải thủy Petrolimex, TCT Xây lắp, TCT Dịch vụ xăng dầu. Nguồn nhân lực cũng là một trong những mục tiêu Petrolimex tái cấu trúc bằng cách thay đổi cơ cấu lao động và đầu tư thêm công nghệ mới, dần từng bước tự động hoá, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động.

Trong buổi họp giao ban Bộ Công Thương tháng 8, các Tập đoàn thuộc Bộ cho biết: Các Tập đoàn đang gấp rút hoàn thành kế hoạch tái cấu trúc để trình Chính phủ. Đây là động thái tích cực nhằm ngày càng nâng cao hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh của các Tập đoàn kinh tế chủ chốt thời gian tới./.

 

Nguồn:  Báo Kinh tế Việt nam 

 

 

TIN TỨC LIÊN QUAN