TIN TỨC

Đau đầu với phân bón giả

Thiệt đơn, thiệt kép

Năm nào cũng vậy, cứ tới đầu mùa vụ là nhiều DN lại lo lắng vì tình trạng phân bón giả tràn lan trên thị trường, còn người nông dân thì không biết phải chọn loại nào giữa cả “rừng” phân bón. Là một DN có sản phẩm bị làm giả mạo, ông Nguyễn Đức Ninh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Phân đạm và hóa chất Hà Bắc chia sẻ, phân bón giả, kém chất lượng đang cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm của chính công ty ông. “Nhiều bạn hàng Thái Lan, Hàn Quốc nói với tôi không hiểu vì sao chúng ta có tới hàng ngàn loại phân bón giống như “ma trận”. Đến cơ quan quản lý còn không thể quản hết thì người dân làm sao kiểm soát được?” – ông Ninh cho biết.

Theo kết quả điều tra mới nhất, hiện cả nước có khoảng trên 1.000 cơ sở, DN sản xuất phân bón và khoảng 16.000 cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh mặt hàng này. Đây quả thực là một con số rất lớn, nhất là trong bối cảnh ngành phân bón thế giới đang hướng mạnh đến công nghệ sinh học, nano. Theo ông Nguyễn Hồng Phong – Tổng Giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa), với hơn 1.000 cơ sở sản xuất, mỗi đơn vị chỉ cần làm 10 sản phẩm thì đã có 10.000 mẫu phân bón. Điều này thực sự gây khó khăn cho việc quản lý nhãn mác sản phẩm trên thị trường, trong khi công nghệ làm giả, nhái phân bón ngày càng tinh vi với nhiều hình thức.

Có thể nói, phân bón giả, kém chất lượng tràn lan đã gây xáo trộn thị trường và trực tiếp cạnh tranh với sản phẩm của các DN uy tín. Mặt hàng phân bón bị làm giả nhiều thường tập trung vào những sản phẩm của các DN có thương hiệu lớn, được bà con nông dân tin dùng. Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình trạng phân bón giả đang làm cho nông nghiệp trong nước thiệt hại khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.

Quyết liệt đẩy lùi

Nhiều DN cho rằng, một số quy định trong Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón đang tồn tại bất cập. Đó là sự chồng chéo trong cơ chế quản lý thị trường phân bón như phân vô cơ do Bộ Công Thương quản lý, còn phân hữu cơ thuộc về phía Bộ NN&PTNT, dẫn tới một cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón phải có 2 giấy phép của hai ngành trên. Bên cạnh đó, điều khiến cho dư luận băn khoăn là tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng mang lại lợi nhuận kếch xù cho các đối tượng gian lận, song việc kiểm tra, xử lý vẫn còn nhiều hạn chế. Thống kê mỗi năm, lực lượng chức năng đấu tranh, bắt giữ khoảng 4.000 vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực phân bón, song số vụ việc bị khởi tố chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Là một người làm công tác nghiên cứu phân bón trên 40 năm, TS Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới bày tỏ lo ngại về thực trạng này. Theo ông Nghĩa, nông dân Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phải gánh chịu hậu quả của nạn phân bón giả vì quản lý sản xuất, kinh doanh mặt hàng này còn chưa khoa học, thiếu chặt chẽ. Do đó, để ngăn chặn vấn nạn phân bón giả, các cơ quan quản lý Nhà nước phải có hành động cụ thể và quyết liệt, tránh “bắt cóc bỏ đĩa”. Trong đó, cần làm tinh giản lại danh mục phân bón để tạo thuận lợi cho quản lý và kiên quyết rút giấy phép của các cơ sở vi phạm.

Phân bón chiếm khoảng 60% chi phí đầu vào trong trồng trọt và là yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng nông sản. Bởi vậy, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững và bảo đảm quyền lợi cho người nông dân, cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác quản lý ngành phân bón hiện nay. Thời gian qua, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, cơ quan quản lý, hiệp hội và DN phân bón có sản phẩm bị xâm hại, làm giả chưa được chặt chẽ. Do đó, để ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả, hàng nhái, bên cạnh sự quyết liệt của cơ quan quản lý Nhà nước, các DN cũng cần tích cực hơn trong việc phối hợp với lực lượng chức năng về cung cấp thông tin đối tượng sản xuất, buôn bán, kinh doanh phân bón giả.

TIN TỨC LIÊN QUAN