TIN TỨC

Chính sách tài chính mới có hiệu lực trong tháng 9/2015

Quy định mới về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập

Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH, trường hợp vì lý do khách quan, năm học 2012-2013, học sinh, sinh viên thuộc đối tượng miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập mới nộp hồ sơ đề nghị được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với năm học 2010-2011; 2011-2012: Các địa phương chỉ xem xét giải quyết đối với các trường hợp nộp đơn đề nghị miễn, giảm học phí kèm theo đầy đủ các giấy tờ cần thiết trước ngày 31/12/2012 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH.

Trường hợp vì lý do khách quan, năm học 2014-2015, học sinh, sinh viên thuộc đối tượng miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập mới nộp hồ sơ đề nghị được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với năm học 2013-2014; 2014-2015: Các địa phương, các cơ sở giáo dục chỉ xem xét giải quyết đối với các trường hợp nộp đơn đề nghị miễn, giảm học phí kèm theo đầy đủ các giấy tờ cần thiết trước ngày 31/12/2015 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2015; các chế độ hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 1/9/2013.

Mức bồi dưỡng cụ thể cho giáo viên quốc phòng, an ninh

Từ ngày 1/9/2015, Thông tư liên tịch 15/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BQP-BCA-BNV-BTC quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh bắt đầu có hiệu lực.

Theo hướng dẫn, giảng viên thuộc trung tâm GDQP&AN được bổ nhiệm chức vụ quản lý có nghĩa vụ trực tiếp giảng dạy theo tỉ lệ % định mức giờ chuẩn giảng dạy cả năm của chức danh giảng viên như sau:

Giám đốc: 10% (Trung tâm có 20.000 sinh viên/năm trở lên), 15% (Trung tâm có dưới 20.000 sinh viên/năm). Phó giám đốc: 15% (Trung tâm có 20.000 sinh viên/năm trở lên), 20% (Trung tâm có dưới 20.000 sinh viên/năm).

Trưởng phòng: 30% (Trung tâm có 20.000 sinh viên/năm trở lên), 35% (Trung tâm có dưới 20.000 sinh viên/năm). Phó trưởng phòng: 35% (Trung tâm có 20.000 sinh viên/năm trở lên), 40% (Trung tâm có dưới 20.000 sinh viên/năm).

Từ 1/9, khám chữa bệnh ngày nghỉ, lễ được hưởng BHYT

Liên Bộ Y tế – Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC, sửa đổi khoản 5, điều 13 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC. Theo đó, Thông tư 16 bỏ quy định cơ sở y tế quá tải mới được khám chữa bệnh BHYT vào thứ bẩy, chủ nhật. Cụ thể, nội dung được điều chỉnh từ “Trường hợp cơ sở y tế quá tải, có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ phải thông báo cho tổ chức BHXH để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện”, sang “Trường hợp cơ sở y tế có tổ chức khám, chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ phải thông báo cho tổ chức BHXH để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện”.

Thông tư 16 mới ban hành, cơ sở y tế nào có tổ chức khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, lễ nếu có thông báo trước cho BHXH, người bệnh cũng sẽ được hưởng BHYT. Các quy định khác kèm theo vẫn như quy định tại Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC.

Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2015.

Hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

Thông tư 110/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, với các thủ tục như: đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế… sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/9/2015.

Thông tư 110 không điều chỉnh việc thực hiện giao dịch điện tử về thuế đối với hàng hóa ở khâu xuất khẩu, nhập khẩu tại cơ quan Hải quan. Cụ thể, theo Thông tư, người nộp thuế đã thực hiện khai thuế điện tử thì phải thực hiện các giao dịch khác với cơ quan thuế cũng bằng phương thức điện tử, trừ trường hợp xảy ra sự cố trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.

Người nộp thuế, cơ quan thuế, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đã hoàn thành việc thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế theo quy định tại Thông tư này thì không phải thực hiện các phương thức giao dịch khác và được công nhận đã hoàn thành thủ tục thuế tương ứng theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Định mức chi phí bảo quản hạt giống lúa dự trữ quốc gia

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 109/2015/TT-BTC, ngày 22/7/2015 quy định về định mức chi phí nhập, chi phí xuất tại cửa kho và chi phí bảo quản hạt giống lúa, hạt giống ngô dự trữ quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Thông tư này quy định về định mức chi phí nhập, định mức chi phí xuất tại cửa kho và định mức chi phí bảo quản hạt giống lúa, hạt giống ngô dự trữ quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trực tiếp quản lý.Định mức chi phí nhập, định mức chi phí xuất tại cửa kho và định mức chi phí bảo quản hạt giống lúa, hạt giống ngô dự trữ quốc gia áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, nhập, xuất, bảo quản hạt giống lúa, hạt giống ngô dự trữ quốc gia.

Thông tư 109 có hiệu lực từ ngày 10/9/2015.

Phối hợp xử lý hàng hóa XNK chứa chất phóng xạ

Liên Bộ Tài chính – Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch số 112/2015/TTLT-BTC-BKHCN về hướng dẫn cơ chế phối hợp và xử lý trong việc kiểm tra, phát hiện chất phóng xạ tại các cửa khẩu.

Theo đó, khi phát hiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trung chuyển; hành lý và khách nhập cảnh, quá cảnh chứa chất phóng xạ thì cơ quan Hải quan phải:

Dừng làm thủ tục hải quan hoặc dừng thông quan hàng hóa, hành lý; thông báo bằng biện pháp nhanh nhất đến Cục Hải quan tỉnh, thành phố, đầu mối do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân chỉ định; phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân để xử lý bằng các biện pháp theo quy định.

Đồng thời thông báo và phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng và các cơ quan quản lý tại cảng biển, cảng hàng không quốc tế, các khu vực cửa khẩu để kiểm soát việc thực hiện các biện pháp quy định trên.

Thông tư liên tịch 112/2015/TTLT-BTC-BKHCN có hiệu lực từ ngày 15/09/2015.

Áp dụng quy định mới về phát hành TPCP trong nước

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 111/2015/TT-BTC hướng dẫn cụ thể các điều khoản, điều kiện của TPCP tại thị trường trong nước.

Cụ thể về kỳ hạn, tín phiếu kho bạc có các kỳ hạn chuẩn là 13 tuần, 26 tuần và 52 tuần; trái phiếu kho bạc và công trái xây dựng tổ quốc có các kỳ hạn chuẩn là hai năm, ba năm, năm năm, bảy năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm.

Về mệnh giá, trái phiếu có mệnh giá 100 nghìn đồng. Các mệnh giá khác là bội số của 100 nghìn đồng.

Trái phiếu được phát hành theo các phương thức đấu thầu phát hành, bảo lãnh phát hành, đại lý phát hành và bán lẻ qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2015 và thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BTC và Thông tư số 203/2013/TT-BTC.

Tăng một số loại phí công chứng từ ngày 29/9

Liên Bộ Tài chính – Tư pháp vừa ban hành Thông tư liên tịch 115/2015/TTLT-BTC-BTP. Theo quy định tại thông tư này, mức phí công chứng hợp đồng uỷ quyền sẽ được nâng từ 40.000 đồng/trường hợp lên 50.000 đồng/trường hợp. Nâng từ 20.000 đồng/trường hợp lên 25.000 đồng/trường hợp đối với công chứng việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch. Công chứng di chúc được nâng thêm 10.000 đồng/trường hợp thành 50.000 đồng/trường hợp.

Ngoài ra, Thông tư liên tịch 115/2015/TTLT-BTC-BTP còn bổ sung phí công chứng bản dịch là 50.000 đồng/trang đối với bản dịch thứ nhất…

Phí chứng thực bản sao từ bản chính là 2.000 đồng/trang đối với trang thứ nhất, trang thứ hai; từ trang thứ ba trở lên thu 1.000 đồng/trang nhưng mức thu tối đa không quá 200.000 đồng/bản. Phí chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là 10.000 đồng/trường hợp.

Thông tư liên tịch 115/2015/TTLT-BTC-BTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/9/2015.

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

TIN TỨC LIÊN QUAN