Xu hướng phát triển năng lượng của thế giới sẽ đi theo hướng dần thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ) bằng các nguồn năng lượng xanh và sạch hơn (gió, mặt trời, sinh khối, hydro xanh… ). Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và lợi thế vị trí địa lý phù hợp để phát triển sản xuất và có thể xuất khẩu hydro xanh sang thị trường quốc tế. Công ty Cổ phần Thiết kế Công nghiệp hóa chất (CECO) đã và đang tập trung nghiên cứu công nghệ, thị trường để chủ động đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng này.
Trong ba ngày 18-20/10 tại Hồ Chí Minh, CECO đã tham gia khóa đào tạo về Hydro xanh và Power to X (PTX) do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và PTX Hub tổ chức. Khóa đào tạo có sự thao gia của hơn 20 học viên đến từ các doanh nghiệp các đơn vị tư vấn trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất, dầu khí và điện lực.
Khóa đào tạo đã cập nhật những kiến thức về hydro xanh như các phương án sản xuất hydro, Chi phí sản xuất Hydro xanh, Phân tích chi phí của máy điện phân, Phương án vận chuyển, lưu trữ hydro; Power to X (Chuyển đổi điện năng thành các sản phẩm nhị cấp và tam cấp, Các bước chuyển đổi từ năng lượng tái tạo thành nguyên liệu/nhiên liệu, Chuỗi giá trị Power-to-X và Liên kết giữa các ngành); Amoniac xanh; Triển vọng sản xuất H2 và PtX;
Tiếp đó, trong hai ngày 25-26/10 CECO đã tham gia hội thảo “Kịch bản và định hướng tương lai cho ngành Hydro Việt Nam”, nhằm định hình tương lai phát triển của hydro xanh tại Việt Nam theo ngành, xác định lộ trình phát triển PtX cho Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon vào giữa thế kỷ này tại Hà Nội. Hội thảo do Chương trình Hỗ trợ Năng lượng ESP thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và Vụ Dầu khí và Than (trực thuộc Bộ Công Thương) đồng tổ chức trong khuôn khổ dự án PtX Outreach do Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 20 đại biểu đến từ các bộ ban ngành như Vụ Dầu khí và Than, Cục Công nghiệp, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), Cục Hàng không (Bộ Giao thông Vận tải), Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Viện Năng lượng; Viện Dầu khí Việt Nam (VPI); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Công ty Green Solution, công ty Cổ phần Thiết kế Công nghiệp Hóa chất (CECO) và các tổ chức, doanh nghiệp khác.
Tại Hội thảo, các chuyên gia từ Đức đã chia sẻ những kết quả sơ bộ trong “Nghiên cứu khảo sát quốc gia”, nhấn mạnh vào các yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp Hydro xanh và Power-to-X (PtX) tại Việt Nam, bao gồm cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ, nâng cao kỹ năng đối với lực lượng lao động, ngoại giao địa chính trị. Đồng thời, chuyên gia trong nước cũng đã chia sẻ tiến độ xây dựng chiến lược quốc gia hydro tại Việt Nam.
Các chuyên gia Đức cũng đề xuất một số kịch bản phát triển PtX theo ngành cho Việt Nam. Trên cơ sở này, các đại biểu tham gia tham vấn và lựa chọn kịch bản theo các ngành cụ thể, bao gồm Điện, Hóa chất, Giao thông xanh và Thép xanh.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận và thực hiện phân tích SWOT đối với hệ thống hiện nay của 04 ngành cụ thể nêu trên. Từ đó xác định được những yếu tố thúc đẩy sự thay đổi, các xu hướng lớn, cũng như lộ trình phát triển công nghệ PtX theo từng ngành cu thể hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon..
CECO đã tham gia cùng nhóm Hóa chất và Giao thông để thuyết trình bản phân tích SWOT cho lộ trình phát triển sản xuất amoniac và Giao thông xanh của Việt Nam dựa vào PtX
Nguồn: Ban truyền thông CECO