TIN TỨC

CECO – Nghiên cứu, giải mã công nghệ hướng mục tiêu Net Zero tại Việt Nam (KC.16/24-30)

Ngày 12/12/2024, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Lễ công bố và Hội thảo về “Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam” (KC.16/24-30) nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Toàn cảnh buổi lễ

Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia khẩn trương xây dựng và ban hành Chương trình KH&CN cấp quốc gia với mã số KC.16/24-30, nhằm phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam. Chương trình này sẽ song hành cùng với các Chương trình KH&CN quốc gia khác đã và đang thực hiện để chung tay thúc đẩy các giải pháp KH&CN, đặc biệt là hướng tới công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26).

Chương trình KH&CN NetZero sẽ là nền tảng, cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ các-bon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao và cải thiện chất lượng môi trường sống của Việt Nam; thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi lễ

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN cho biết, Chương trình đặt ra ba mục tiêu chính. 

Thứ nhất, khuyến khích các nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất hoàn thiện chính sách, tiêu chuẩn, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam. Theo ông Linh, mặc dù Chính phủ có các khuôn khổ pháp lý, quy định chung để triển khai giảm phát thải. Tuy nhiên, cần thiết có các đề xuất chính sách mang tính cụ thể hơn như việc xây dựng các tiêu chuẩn cho quá trình đánh giá công nghệ xanh, sạch.

Thứ hai, các nghiên cứu hướng đến đề xuất các mô hình và các giải pháp phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; phối hợp tổ chức quốc tế, nhà khoa học Việt ở nước ngoài đề xuất các giải pháp công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Theo ông Linh, hiện chưa có một tổ chức đủ năng lực, được công nhận quốc tế làm chứng nhận kiểm kê khí nhà kính tại các cơ sở sản xuất, góp phần thực hiện giao dịch tín chỉ carbon. Do đó, chương trình đặt hàng đề xuất xây dựng các năng lực kiểm kê khí nhà kính.

Thứ ba, các đề tài tập trung nghiên cứu ứng dụng, giải mã, chuyển giao công nghệ; các giải pháp và kỹ thuật tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực, góp phần quản lý, kiểm kê phục vụ giảm phát thải khí nhà kính, phát triển công nghệ xanh, năng lượng mới, vật liệu mới… Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thu hồi, tận dụng và lưu trữ carbon. Điều này góp phần giảm tiêu thụ, chuyển dịch và chuyển đổi năng lượng. Theo ông Linh, Chương trình khoa học công nghệ Net Zero sẽ cùng song hành với gần 20 chương trình KHCN quốc gia khác do Bộ KH&CN quản lý.

Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ – Nguyễn Hoàng Linh phát biểu tại buổi lễ

CECO tham gia buổi lễ công bố và hội thảo với tư cách khách mời của Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ. Trong những năm gần đây, CECO đồng hành hợp tác cùng với nhiều chủ đầu tư cả trong và ngoài nước về nghiên cứu các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch để áp dụng vào các dự án năng lượng tái tạo như Hydro xanh, Amonia xanh, điện trấu, điện từ rác…ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án (lập, thẩm tra, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và dịch vụ tư vấn khác). Chính vì vậy, đây cũng là cơ hội, lợi thế để CECO được tham gia các diễn đàn, hội thảo xoay quanh vấn đề này, điển hình như  Diễn đàn Chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trong khuôn khổ Sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 được đồng chủ trì bởi Bộ KH&CN và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội diễn ra vào tháng 9/2024 tại Hà Nội, Hội nghị xúc tiến đầu tư và Hội thảo với chủ đề “Năng lượng mới (NLM) và năng lượng tái tạo (NLTT) – Tiềm năng và nguồn lực đầu tư” do UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức vào tháng 10/2024 tại Bến Tre.

                   Cán bộ CECO tại Lễ công bố và Hội thảo về “Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức                        phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam”

Cán bộ CECO trao đổi với Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ – Nguyễn Hoàng Linh về các dự kiến đề xuất tham gia trong Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam (KC16)

Ngoài tư cách là đơn vị tư vấn xây dựng, CECO cũng rất tích cực hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đã đảm nhận và hoàn thành nhiều đề tại/nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước, cấp Bộ, được đánh giá cao và sản phẩm có khả năng đưa vào áp dụng thực tiễn cao. CECO tự tin với truyền thống phát triển gần 60 năm, với đội ngũ nhân lực hiện tại và sự hợp tác từ nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong Hội Hóa học Việt Nam (CSV), Hội Kỹ thuật công nghệ hóa học Việt Nam (VACE),… hoàn toàn đủ khả năng hoàn thành các nhiệm vụ KHCN nếu được giao, góp phần nhỏ vào việc hoàn thành mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của đất nước./.

Nguồn: Tổng hợp

                                                                                                                                                                                                              Thanh Nhàn

 

TIN TỨC LIÊN QUAN