Công suất lốp Radial của Cao su Đà Nẵng tăng 67%
Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC – sàn HoSE) đã chính thức đưa vào vận hành Giai đoạn 3 của Nhà máy lốp xe Radial với công suất thiết kế 400.000 chiếc/năm kể từ tháng 12/2023.
Qua đó, tổng công suất lốp Radial của Cao su Đà Nẵng tăng thêm tới 67%, từ mức 600.000 chiếc/năm lên 1.000.000 chiếc/năm. Đồng thời, việc đưa vào vận hành này sớm hơn đáng kể so với dự báo của một số tổ chức tài chính đưa ra trước đây.
Đáng chú ý, suất đầu tư cho giai đoạn 3 của Cao su Đà Nẵng thấp hơn 50% so với 2 giai đoạn trước, giúp gia tăng đáng kể biên lãi gộp của công ty khi toàn bộ nhà máy hoạt động tối đa. Dự kiến toàn bộ Nhà máy Radial của Cao su Đà Nẵng sẽ vận hành đầy đủ kể từ quý 2/2023, theo hãng chứng khoán Vietcombank (VCBS).
VCBS hiện kỳ vọng việc sớm hoàn tất việc mở rộng Nhà máy lốp xe Radial sẽ thúc đẩy đáng kể kết quả kinh doanh của Cao su Đà Nẵng trong năm 2024. Với xu hướng dịch chuyển từ lốp Bias sang lốp Radial trong nước cùng nhu cầu lốp Radial tại các thị trường xuất khẩu duy trì mức tốt, Cao su Đà Nẵng dự kiến sẽ không gặp trở ngại trong việc tiêu thụ phần công suất lốp Radial tăng thêm.
Theo VCBS, nhu cầu săm lốp xe trên toàn cầu đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực kể từ nửa sau năm 2023. Cox Automotive, tổ chức cung cấp dịch vụ về xe ô tô lớn nhất thế giới, dự báo sản lượng xe mới tại Mỹ trong năm 2024 sẽ quay về mức trước đại dịch COVID-19, đạt khoảng 3 triệu xe – cao gấp 3 lần so với thời điểm thiếu chip trầm trọng nhất giai đoạn 2020 – 2022.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực xe tải và doanh số bán xe tải nặng (heavy truck) tại Mỹ trong 2 quý gần nhất đều có mức tăng trưởng dương so với quý liền trước, cho thấy sự cải thiện tích cực từ cả phía cung và cầu vận tải tại Mỹ.
Những yếu tố trên thúc đẩy nhu cầu về săm lốp xe tăng lên. Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ lốp Radial lớn thứ 2 của Cao su Đà Nẵng. Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ tại Mỹ của Cao su Đà Nẵng đã có sự mở rộng đáng kể trong những quý gần đây với mức sản lượng tiêu thụ/tháng tăng từ 10.000 chiếc trong tháng 1/2023 lên 16.000 chiếc trong tháng 10/2023.
VCBS hiện dự phóng tổng sản lượng lốp Radial trong năm 2024 của Cao su Đà Nẵng sẽ đạt 920.000 chiếc, tăng 28% so với năm 2023 và kỳ vọng phần lớn sản lượng tăng thêm sẽ được tiêu thụ tại thị trường Mỹ.
Tiềm năng chiếm lĩnh thị phần tại Mỹ, lãi ròng năm 2024 có tể tăng gần 44%
Bên cạnh đó, tiềm năng gia tăng thị phần tại Mỹ của Cao su Đà Nẵng còn đến từ việc Mỹ nhiều khả năng áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm của Thái Lan.
Cụ thể, trong tháng 10/2023, Bộ Thương mại Mỹ đã khởi xướng cuộc điều tra bán phá giá đối với việc nhập khẩu lốp xe tải và xe buýt (TBR) của Thái Lan với biên độ bán phá giá là 48%. Thái Lan là nước xuất khẩu TBR lớn nhất sang Mỹ với thị phần khoảng 40%.
Xuất khẩu TBR từ Thái Lan sang Mỹ đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2016 – 2022, sau khi các nhà cung cấp Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất sang các nước ASEAN, chủ yếu là Thái Lan nhằm tránh thuế chống trợ cấp mà Mỹ áp đặt lên TBR có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Quyết định cuối cùng sẽ được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra vào ngày 24/6/2024. Nếu cuộc điều tra mang lại kết quả tích cực, Việt Nam nói chung, Cao su Đà Nẵng nói riêng có thể là quốc gia trực tiếp được hưởng lợi từ quyết định này.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu TBR lớn thứ 4 sang Mỹ với thị phần 11% (trong năm 2022). Trong đó, Cao su Đà Nẵng là đơn vị chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Hiện tại, sản phẩm TBR của Việt Nam không phải chịu bất kỳ mức thuế nào khi xuất khẩu sang Mỹ.
Qua trao đổi với đại diện Cao su Đà Nẵng, VCBS đánh giá tác động của việc này trong trường hợp tích cực sẽ được phản ánh vào kết quả kinh doanh của Cao su Đà Nẵng từ quý 3/2024 do trong ngắn hạn, khách hàng Mỹ sẽ nhập lượng lớn lốp TBR của Thái Lan để hưởng lợi từ giá bán thấp.
VCBS hiện dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Cao su Đà Nẵng đạt 225 tỷ đồng, giảm 27% so với năm 2022, nhưng sẽ phục hồi mạnh 43,8% trong năm 2024, lên mức 323 tỷ đồng.