TIN TỨC

Biến động giá dầu, nhân dân tệ thách thức mục tiêu kinh tế 2016

Thứ ba, 22/9/2015 | 16:37 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebookChia sẻ bài viết lên twitterChia sẻ bài viết lên google+|Print

Biến động giá dầu, nhân dân tệ thách thức mục tiêu kinh tế 2016

Kế hoạch phát triển kinh tế năm tới đưa ra mục tiêu GDP tăng 6,7%, lạm phát 5%, song Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức do tình hình thế giới biến động.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2016. Theo đó, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi ổn định trong năm 2016 với tốc độ tăng trưởng cao hơn năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm và tương đối ổn định là điều kiện để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.

Triển vọng kinh tế sáng sủa hơn, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra những điểm đáng lưu ý sẽ tác động lên nền kinh tế thời gian tới. Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào cuối năm và các hiệp định thương mại tự do được triển khai sẽ tạo ra điều kiện quan trọng trong phát triển kinh tế, nhưng cũng gây ra những khó khăn, thách thức trong phát triển thị trường, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Kế hoạch kinh tế năm 2016 lưu ý đến khả năng giá dầu thô giảm sâu.

 

Giá dầu thô giảm sâu và giá các nguyên liệu, khoáng sản đi xuống cũng tác động lên những nước đang phát triển có mức độ phụ thuộc lớn vào xuất khẩu tài nguyên, bao gồm Việt Nam. Các nền kinh tế mới nổi cũng sẽ gặp khó khăn để ứng phó với sự giảm giá của đồng nội tệ so với USD.

8 tháng đầu năm 2015, giá dầu thô xuất khẩu bình quân khoảng 60 USD một thùng, giảm 40 USD so với dự toán. Dự báo bình quân cả năm, giá dầu thô khoảng 56,7 USD một thùng. Các kịch bản về tác động của giá dầu được Thủ tướng chỉ đạo tổ điều phối vĩ mô xây dựng từ đầu năm, và theo cơ quan hoạch định kế hoạch, mặc dù giá dầu giảm mạnh ảnh hưởng thu ngân sách nhưng Chính phủ đã có giải pháp ứng phó để bảo đảm tổng thu ngân sách không giảm và dự toán thu chi đúng kế hoạch.

Nhân tố Trung Quốc – đối tác thương mại lớn của Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục phải theo dõi chặt trong năm tới. Nửa cuối năm 2015, đồng nhân dân tệ giảm giá khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng tăng thêm 1% và nới biên độ điều chỉnh từ +/-1% lên +/-3%. Thị trường chứng khoán Hong Kong, Thượng Hải sụt giảm mạnh ảnh hưởng lên chỉ số toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.

Song, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định tác động từ việc phá giá đồng nhân dân tệ ảnh đang được xử lý bằng nhiều giải pháp, chính sách để không ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, thu chi ngân sách và tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Theo tính toán sơ bộ của các chuyên gia, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có thể tăng thêm khoảng 0,04% trong năm 2015 và tăng thêm 0,08% trong năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do đã chủ động những biện pháp hỗ trợ xuất khẩu và điều chỉnh giảm giá VND.

Về tác động lên tăng trưởng kinh tế, Việt Nam nhập khẩu lớn từ Trung Quốc với cơ cấu chủ yếu là nguyên vật liệu và máy móc thiết bị. Do vậy, phá giá đồng nhân dân tệ cùng với giá xăng, dầu xuống thấp tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng trưởng kinh tế.

“Việc phá giá nhân dân tệ và biến động giá dầu không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng. Giá dầu giảm thậm chí còn giúp tăng trưởng cao hơn nếu biết tận dụng các cơ hội mà nó đem lại cho kinh tế Việt Nam”, báo cáo nêu. Dự báo năm 2015, tăng trưởng GDP đạt mức 6,4%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,2%.

Nguồn http://kinhdoanh.vnexpress.net

TIN TỨC LIÊN QUAN