Theo TS. Vương Quang Lượng – Trưởng phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở rất cao, tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các FTA thế hệ mới, được hưởng những ưu đãi thuế quan trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và phân bón nói riêng. Do đó, mọi biến động trên thị trường thế giới sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường hàng hóa của Việt Nam, trong đó có phân bón.
Trong đó, xuất khẩu phân bón của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng của ngành hóa chất. Giá phân bón trong nước tăng lên theo giá thế giới khi nhu cầu gia tăng và nguồn cung bị thu hẹp đang là những động lực thúc đẩy sự phục hồi cho các doanh nghiệp ngành trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
4 giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu phân bón
Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng phân bón, các chuyên gia cho rằng:
Thứ nhất, phát triển nguồn nhân lực cho ngành phân bón thông qua việc nhân cao chất lượng và năng suất lao động, tạo môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp, mang bản sắc văn hóa doanh nghiệp. Đầu tư cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo kế cận, xây dựng chính sách phúc lợi nhân sự, cơ chế thăng tiến theo năng lực, cân bằng lợi ích cho người lao động.
Thứ hai, doanh nghiệp phân bón cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Cuộc cách mạng này đã và đang đem lại nhiều nền tảng công nghệ cho doanh nghiệp trong sản xuất phân bón và nâng cao chất lượng sản phẩm đóng góp cho sự phát triển của ngành phân bón, tiến tới ứng dụng những công nghệ then chốt, tạo động lực phát triển cho ngành, đồng thời nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của công nghệ tiên tiến khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, doanh nghiệp cần tận dụng nguồn lực, tiềm lực và lợi thế cạnh tranh để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu phân bón. Với nguồn cung phân ure trong nước vượt xa nhu cầu, nhiều doanh nghiệp tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu; trong đó đẩy mạnh xuất khẩu phân bón vào các thị trường khó tính nhưng có giá cao như Australia, New Zealand bên cạnh thị trường quan trọng như Campuchia và châu Mỹ – nơi nông nghiệp rất phát triển và đòi hỏi rất cao về chất lượng trong việc sử dụng phân bón.
Thứ tư, kiến nghị giảm thuế xuất khẩu. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, với thực tế nguồn cung phân bón trong nước đã vượt nhu cầu, việc có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu là cần thiết. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp phân bón trong nước vẫn bị áp thuế xuất khẩu 5% khiến phân bón Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại của nước ngoài.
Nguồn tin : Công Thương