Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) được xác định là đã chậm tiến độ nghiêm trọng, mặc dù cơ quan này đã và đang liên tục đốc thúc tổng thầu Trung Quốc triển khai thi công một cách nhanh nhất có thể.
Hợp đồng bị “chệch hướng”
Trả lời báo chí mới đây, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông Triệu Khắc Dũng cho biết hiện nay tiến độ dự án đã có “chuyển biến tích cực”, tuy nhiên so với hợp đồng là chậm tiến độ 19 tháng, và có thể còn phải kéo dài hết năm 2016.
Cụ thể, đến đầu tháng 8/2015, tiến độ mới chỉ đã đạt 58%, với việc hoàn thành 413/419 trụ cầu, 100% trụ nhà ga và lao lắp 442/806 phiến dầm.
Theo ông Dũng, nguyên nhân chính là do năng lực của tổng thầu EPC và tư vấn giám sát không đáp ứng được yêu cầu, nhưng Bộ Giao thông Vận tải không thể thay thế được, vì bị ràng buộc bởi điều kiện của bên tài trợ vốn.
Quan chức này cho biết, theo nguyên tắc thực hiện dự án theo hình thức tổng thầu EPC, thì tổng thầu sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn thành toàn bộ dự án, nhưng suốt những năm qua, việc thực hiện hợp đồng EPC đã đi “chệch hướng” và mới chỉ dựa trên hợp đồng tạm tính, chưa có thiết kế kỹ thuật của dự án.
Từ năm 2008 đến nay, thiết kế kỹ thuật chi tiết của nhiều hạng mục vẫn chưa thể phê duyệt do Luật Xây dựng của Việt Nam và Trung Quốc là khác nhau.
Cụ thể, hệ thống quy trình, quy phạm thiết kế xây dựng, quản lý khai thác; hệ thống định mức, đơn giá xây dụng và mua sắm các thiết bị của Trung Quốc và Việt Nam không đồng bộ và không thống nhất.
Việc quy định sử dụng nhà thầu phụ trong nước ở các dự án đường sắt đô thị có tính chất đặc thù, yêu cầu kỹ thuật cao chưa đạt được hiệu quả, do trình độ tay nghề và kinh nghiệm của lao động trong nước chưa đáp ứng yêu cầu.
“Thiết kế kỹ thuật theo kiểu chắp vá, cái gì Việt Nam có thì đưa theo Việt Nam, cái gì nước ta chưa có thì lại lấy của Trung Quốc, nên hai bên không thể duyệt được thiết kế chi tiết. Từ năm 2014 đến nay, dù đã tháo gỡ hàng loạt khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn chưa thể duyệt được hết thiết kế chi tiết của dự án này”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, ban quản lý dự án và chủ đầu tư (Cục Đường sắt Việt Nam) cũng thiếu kinh nghiệm trong quản lý dự án theo hình thức hợp đồng EPC; khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thậm chí có đoạn phải điều chỉnh thiết kế cơ sở cho phù hợp với thực tế tại hiện trường.
Hệ quả là hiện nay đã làm tăng đáng kể kinh phí dự án so với ước tính ban đầu, đòi hỏi phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư và phải ký bổ sung phụ lục hợp đồng.
Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị thống nhất xác định bổ sung chi phí dự án tăng thêm là 315 triệu USD, đồng thời điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868 triệu USD, trong đó vốn vay Trung Quốc là 669,6 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 198,42 triệu USD.
Về tiến độ sắp tới, ông Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đến ngày 30/6/2016 phải hoàn thành, tuy nhiên hiện chưa thể chốt được thời điểm đưa vào khai thác thương mại, vì phải đưa đoàn tàu vào vận hành thử, kiểm tra an toàn…
Giải pháp gỡ khó
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có báo cáo Chính phủ xin tháo gỡ, đưa dự án về đúng bản chất của hợp đồng EPC, khoán trọn gói.
Theo đó, phía Việt Nam sẽ không can thiệp vào thiết kế kỹ thuật, dự toán chi tiết mà chỉ quản lý, giám sát chung toàn bộ tiến độ, chất lượng của dự án. Còn tổng thầu EPC tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm về toàn bộ giá thành, chất lượng, tiến độ, an toàn khi đưa và khai thác và an toàn lao động trên công trường.
Đối với những hạng mục thi công đặc thù, yêu cầu kỹ thuật cao mà nhà thầu nước ta chưa đủ khả năng làm, phía Việt Nam cũng đồng ý với việc sẽ không lấy thầu phụ trong nước thi công, mà sẽ để nhân công Trung Quốc sang thực hiện, như lao lắp dầm siêu trường, siêu trọng, hàn mối nối đường ray, vận hành hạng mục an toàn giao thông…
Hiện nay, các đoàn tàu đang được tổng thầu và nhà sản xuất chế tạo, dự kiến tháng 10 sẽ có đoàn tàu mẫu về nước. Tháng 9/2015, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cử đoàn sang kiểm tra thiết kế cũng như tiến độ sản xuất đoàn tàu mẫu.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được khởi công tháng 10/2011, theo kế hoạch ban đầu dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào năm 2015 và quý 1/2016 sẽ vận hành chính thức.
Tuyến đường có chiều dài 13 km, đi từ nút giao Cát Linh-Giảng Võ, dọc theo dải phân cách phố Hào Nam, phố Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh 1, tới đường Láng rẽ trái men theo sông Tô Lịch và tiếp tục đi dọc theo dải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông.