Tính đến cuối năm 2017, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tăng cao, đạt 127.000 doanh nghiệp đăng ký mới, đồng thời cộng thêm số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, cả nước đạt 153.000 doanh nghiệp. Dự định, đến cuối năm 2018, số lượng doanh nghiệp đăng kí kinh doanh tiếp tục tăng cao.
Theo đánh giá của Ngân Hàng Thế Giới: Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 4 bậc, xếp 68/190 nền kinh tế (31/10/2017). Đây là một trong những điều kiện để phong trào khởi nghiệp (Start-Up) lan rộng trong giới trẻ, môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục phát triển.
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh cũng được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng. Cụ thể, năm 2017,năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 0,1 điểm và 5 bậc (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137). Kết quả này đạt được là 5/12 chỉ số trụ cột tăng bậc (với 32/144 chỉ số thành phần vừa tăng điểm, vừa tăng bậc. 22/114 chỉ số thành phần tăng hạng nhưng điểm số không đổi hoặc tăng điểm nhưng thứ hạng không đổi).
Trong nông nghiệp đã có chuyển biến rất tích cực: Nông dân tích cực dồn điền dồn thửa, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư vào các trang trại nông nghiệp hiện đại.
Đến 1/6/2017, cả nước đã có 150.000 trang trại với diện tích 900.000 ha. Các trang trại mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu rau, củ quả, trái cây, hoa tươi tăng 30%, vượt cả dầu thô 4 tháng đầu năm 2018.
Đặc biệt, vai trò phụ nữ trong kinh doanh tăng mạnh. Ước tính, 25% giám đốc doanh nghiệp tư nhân là phụ nữ, tập trung chủ yếu vào khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mặc dù có những tiến bộ đáng ghi nhận, song môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn xếp hạng thấp. Vì vậy, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, giảm các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con, tăng tính công khai minh bạch, xây dựng Chính phủ điện tử, nền kinh tế số.
Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn