Dự án trọng điểm, hiện đại của ngành hóa chất
Nhà máy đạm Ninh Bình nổi bật trong Khu công nghiệp Khánh Phú với những ống khói, tháp cao, cùng hệ thống đường ống, băng tải liên kết trong một dây chuyền hiện đại. Đây là dự án trọng điểm của ngành hóa chất cũng như của tỉnh Ninh Bình, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển ngành hóa chất Việt Nam nhằm cân đối sử dụng hiệu quả giữa nguồn tài nguyên năng lượng dầu khí và than theo vùng.
Phó Tổng giám đốc Vinachem Chu Văn Tuấn cho biết: Dự án có quy mô lớn cả về công suất và tổng vốn đầu tư, sử dụng than cám làm nguyên liệu chính, được khởi công xây dựng tháng 5-2008, quy mô diện tích 53 ha. Nhà máy có tổng mức đầu tư 667 triệu USD, từ các nguồn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam 291 triệu USD, Ngân hàng Eximbank Trung Quốc 250 triệu USD, vốn của Vinachem 100 triệu USD và vốn hỗ trợ của tỉnh Ninh Bình 4,4 triệu USD. Sản xuất đạm của nhà máy có năm công đoạn chính đều sử dụng công nghệ bản quyền châu Ấu tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay, gồm công nghệ khí hóa than Shell của Hà Lan (phù hợp loại than an-tra-xít Việt Nam); công nghệ tinh chế khí Linder của Đức; công nghệ tổng hợp a-mô-ni-ắc của Topsoe Đan Mạch; công nghệ tổng hợp u-rê của Snamprogetti, I-ta-li-a và công nghệ phân ly không khí của Air Liquyd, Pháp. Sử dụng các công nghệ này, sẽ bảo đảm an toàn cho môi trường và ổn định dây chuyền sản xuất, sản phẩm đạt chất lượng, năng suất cao. Trong dây chuyền sản xuất phân đạm u-rê, công đoạn khí hóa than cám là công đoạn đầu tiên để sản xuất ra khí tổng hợp, có vai trò quan trọng và làm việc ở chế độ khắc nghiệt, bởi nó chịu tác động trực tiếp của chất lượng than nguyên liệu. Sản lượng phân đạm phụ thuộc vào năng lực khâu khí hóa, chính vì vậy, yêu cầu cho cả bên chuyển giao công nghệ và bên nhận chuyển giao phải thật sự hợp tác ngay từ khi thiết kế, đến vận hành và đào tạo. Với phương thức thực hiện dự án là nhà thầu EPC Trung Quốc tổng thầu toàn bộ các công việc thiết kế, chuyển giao công nghệ, cung cấp và lắp đặt, chạy thử, đào tạo và hỗ trợ chạy máy giai đoạn đầu để bàn giao toàn bộ nhà máy theo đúng yêu cầu thiết kế.
Dự án thực hiện trong 42 tháng, có ba tháng vận hành trợ giúp. Theo Phó Tổng giám đốc Chu Văn Tuấn, mặc dù các hợp đồng chuyển giao công nghệ là một phần trong hợp đồng gói thầu EPC, nhưng bốn hợp đồng chuyển giao công nghệ giữ vai trò chìa khóa trong toàn bộ dây chuyền sản xuất phân đạm, đã được ba bên chủ đầu tư, nhà thầu EPC và nhà bản quyền cùng ký. Quá trình đàm phán hợp đồng EPC đồng thời với quá trình đàm phán các hợp đồng chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, nhà máy sản xuất đạm từ than cám, góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên than cám có sẵn của đất nước. So với kế hoạch ban đầu, nhà máy bị chậm tiến độ về thời gian, nguyên nhân do nền móng của khu vực xây dựng yếu, phải tập trung xử lý nên thời gian kéo dài. Mặt khác, nguồn vốn thiếu, thanh toán cho nhà thầu chậm, hơn nữa do quy định khá ngặt nghèo và phức tạp về thủ tục đầu tư và giải ngân nguồn vốn vay cũng ảnh hưởng đến tiến độ chung. Mặc dù có khó khăn, song chủ đầu tư đã nỗ lực khắc phục khó khăn, cố gắng hoàn thiện toàn bộ dây chuyền sản xuất, chạy thử để sẵn sàng đi vào sản xuất. Phục vụ đắc lực sản xuất nông nghiệp
Hiện tại, sản xuất nông nghiệp ở nước ta cần mỗi năm khoảng 2,2 triệu tấn u-rê, nhưng sản xuất trong nước mới đạt khoảng một triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu. Để chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm và đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất phân bón như đạm Phú Mỹ, đạm Cà Mau, Nhà máy DAP số 1 Hải Phòng, Nhà máy đạm Ninh Bình,… Khi hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định, đạm Ninh Bình sẽ cho ra mỗi ngày dòng đạm trắng với sản lượng 1.760 tấn u-rê (560 nghìn tấn u-rê /năm), phục vụ sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía bắc và cả nước. Mỗi năm, nước ta sẽ tiết kiệm được một số lượng lớn ngoại tệ và chủ động hơn trong việc đáp ứng kịp thời nhu cầu u-rê cho sản xuất nông nghiệp, hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực của biến động thế giới, tạo sự ổn định về giá cả và nguồn cung cấp dài hạn cho ngành nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Sản lượng u-rê của nhà máy sẽ dần đạt 100% công suất thiết kế trong các năm tới, đáp ứng thêm khoảng 25% nhu cầu u-rê cả nước. Tuy nhiên, để đạt 100% công suất, vẫn còn bộn bề những khó khăn thử thách chờ đợi Vinachem và Công ty TNHH một thành viên đạm Ninh Bình ở phía trước. Công ty sẽ phải tiếp nhận tốt chuyển giao công nghệ, vận hành nhà máy đạt công suất thiết kế bảo đảm ổn định, dài ngày, bảo vệ môi trường và tổ chức kinh doanh hiệu quả. Đội ngũ kỹ sư, công nhân lao động của công ty đã cam kết phấn đấu, khai thác triệt để những thuận lợi, khắc phục những khó khăn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm nay và các năm tới, đặc biệt là nỗ lực vận hành thương mại thành công, sản xuất ra sản phẩm u-rê cung cấp cho thị trường. Dự kiến, trước ngày 30-6 tới, sẽ hoàn thành công tác chạy thử nghiệm 72 giờ, sau đó bàn giao nhà máy cho chủ đầu tư. Về cơ bản, quá trình chạy thử đạt các yêu cầu do nhà chế tạo, cung cấp và nhà thiết kế đặt ra. Tuy nhiên, đôi lúc việc phối hợp giữa các nhà thầu chưa tốt, làm ảnh hưởng đến công tác chạy máy như lắp đặt chưa kín, thiết bị đo chưa đúng thang đo, hiển thị chưa chính xác,… Các lỗi này đã từng bước được khắc phục kịp thời.
Vinachem cũng đã quyết định thành lập Công ty TNHH một thành viên đạm Ninh Bình, một điều kiện cần thiết để triển khai xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm, tiền tiếp thị sản phẩm, chuẩn bị nguyên vật liệu sản xuất, tiếp nhận và tiêu thụ sản phẩm chạy thử và dần tiếp nhận toàn bộ nhà máy, sớm thu hồi vốn đầu tư. Do đó, có thể coi việc ra mắt Công ty TNHH một thành viên đạm Ninh Bình là sự kiện mở đầu một chặng đường mới của mục tiêu đầu tư dự án. Xây dựng đội ngũ công nhân vận hành, nhà máy đã gửi một số người đi đào tạo ở châu Ấu, Trung Quốc, đào tạo tại chỗ và ở các nhà máy đạm khác. Sau khi tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ phía nhà thầu Trung Quốc, công nhân sẽ đủ sức làm chủ và vận hành nhà máy. Một số yếu tố dễ gây ảnh hưởng môi trường cũng đã được nhà máy xử lý.
Với quy mô lớn, phức tạp về công nghệ, thiết bị và kỹ thuật thi công xây lắp, sau gần bốn năm, dự án đã đào đắp hàng trăm nghìn m3 đất đá, bê-tông, vận chuyển nhiều thiết bị siêu trường siêu trọng bảo đảm an toàn tuyệt đối, lắp đặt 17.500 tấn kết cấu thép, có mô-đun nặng hàng trăm tấn ở độ cao 100 m,… Toàn bộ các hạng mục xây dựng lắp đặt đưa vào chạy thử đều đã được nghiệm thu với đầy đủ chứng chỉ, phù hợp chất lượng của liên danh nhà thầu quốc tế DNV – PVEIC Na Uy, khẳng định bước đầu về chất lượng công trình. Về cân đối nguồn vốn thanh toán cho các nhà thầu, tổng số tiền cần bố trí để thanh toán tiếp cho các nhà thầu là 1.670 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn vay ngân hàng còn lại hơn 570 tỷ đồng, số vốn còn thiếu để thanh toán tiếp cho dự án gần 1.100 tỷ đồng. Công ty đã được thành lập, tuy nhiên vốn điều lệ chưa được cấp đủ, trong khi cần phải mua than cám làm nguyên – nhiên liệu phục vụ sản xuất cùng với các loại vật tư, hóa chất khác, chi phí tiền lương, chi phí thường xuyên của công ty trong năm 2012 nên công ty đã có kế hoạch vay vốn từ các nhà phân phối sản phẩm của công ty, dự kiến khoảng 100 tỷ đồng. Đồng thời, vay vốn từ Ngân hàng Techcombank 600 tỷ đồng, Ngân hàng Vietinbank 500 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành công tác đầu tư, chuyển sang giai đoạn vận hành thương mại, Nhà máy đạm Ninh Bình sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu phân đạm cho các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ nói riêng và của cả nước nói chung. Với sản lượng hằng năm 560 nghìn tấn, cùng với sản lượng u-rê của Nhà máy đạm Phú Mỹ, Nhà máy đạm Cà Mau và Nhà máy Phân đạm Hà Bắc sẽ đáp ứng đủ nhu cầu đạm u-rê của cả nước, giúp nước ta chủ động hơn về phân bón và góp phần bảo đảm tốt hơn cho chương trình an ninh lương thực quốc gia. Sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm phân bón và hóa chất, trong đó có phân đạm u-rê cho Tổ quốc, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh luôn là khát vọng cháy bỏng của các thế hệ cán bộ, công nhân viên Vinachem suốt mấy chục năm qua. Đưa dòng đạm trắng của Nhà máy đạm Ninh Bình vào phục vụ sản xuất nông nghiệp hôm nay, khát vọng đó bắt đầu trở thành hiện thực.