NEWS

Xử lý rác thải – ngành miễn nhiễm với khủng hoảng

Nội dung nổi bật:

– Khủng hoảng kinh tế không có nhiều tác động đến các doanh nghiệp xử lý rác thải vì đây là nhu cầu thiết yếu. Đồng thời đô thị hóa, dân số thế giới tăng lên cùng các yêu cầu khắt khe hơn về bảo vệ môi trường giúp ngành này phát triển.

– Các doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển và chiếm lĩnh thị phần


Các doanh nghiệp xử lý rác thường tự mô tả họ là những công ty miễn nhiễm với khủng hoảng với suy luận rất đơn giản: lượng rác phải xử lý luôn luôn tăng lên. Khi các quốc gia ngày càng giàu có hơn, nhiều thành phố mọc lên và dân số không ngừng tăng lên, lượng rác thải cũng tăng mạnh.

OECD dự báo rằng mặc dù lượng rác thải ở các quốc gia phát triển chỉ tăng 1,3% mỗi năm từ nay tới năm 2030 (tức tăng tổng cộng khoảng 38%), lượng rác ở Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tăng lần lượt 130% và hơn 200%. Điều này cũng dễ hiểu khi thành thị mở rộng cùng với quá trình công nghiệp hóa. 

Mặc dù vậy, chính phủ các nước cũng ngày càng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và công việc xử lý rác cũng được giao cho các doanh nghiệp tư nhân thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào dịch vụ công cộng như trước đây. Ở Mỹ, các doanh nghiệp tư nhân xử lý khoảng 70% tổng lượng rác, trong khi ở các thành phố phát triển của Trung Quốc nhiều hợp đồng xử lý rác thải đã được trao cho các doanh nghiệp tư nhân.

Thành phố Mumbai của Ấn Độ chính là một ví dụ điển hình cho những gì đang diễn ra trong ngành xử lý rác thải. Vai trò của khu vực tư nhân ngày càng tăng lên khi các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào quy hoạch các bãi rác.

Ở một thành phố lớn khác của Ấn Độ là Chennai, công việc thu gom rác đã được giao cho Veolia Environment – một trong những “ông lớn” của ngành này đang hoạt động sôi nổi ở các quốc gia đang phát triển như Brazil, Nam Phi và Trung Quốc. Trong khi đó, đối thủ chính của Veolia là Suez Environnement cũng đang hoạt động rất tích cực ở Trung Quốc.

Các công ty xử lý rác thải cũng có nhiều cơ hội phát triển ở các nước phát triển trong bối cảnh các quy định về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe hơn. Công nghệ xử lý càng phức tạp thì lợi nhuận mà các công ty này thu về càng cao.

Từ năm 1985 đến 2005, khi nước Mỹ thắt chặt luật lệ và các bãi tiêu hủy rác quy mô nhỏ phá sản, mức phí trung bình đã tăng từ mức 10 USD/tấn lên gần 35 USD. Ở châu Âu mức phí còn tăng mạnh hơn: vào khoảng 74 euro/tấn ở Pháp và 50 euro ở Italy.

Quy định cũng khiến cấu trúc của ngành này thay đổi. Những công ty lớn có đủ tiền đầu tư để đáp ứng yêu cầu nắm lấy cơ hội để thống lĩnh thị trường. Ở Anh, từ năm 1992 đến 2001, thị phần của 15 công ty lớn nhất đã tăng từ 30% lên 60%. Năm 2008, công ty lớn thứ ba ở Mỹ (vào lúc đó) đã từ chối lời chào mua từ Waste Management và bỏ ra 6 tỷ USD thâu tóm Allied Waste Industries.

Xử lý rác thải cũng là một ngành khá ổn định. Mặc dù các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể xả ra ít rác hơn trong thời kỳ kinh tế khó khăn, mức giảm là rất nhỏ. Four Winds Capital Management, quỹ đầu tư đã thành lập một quỹ chuyên rót tiền vào ngành này, thừa nhận rằng trung bình các hợp đồng thu gom rác sẽ có độ dài 7 năm, hợp đồng xử lý có độ dài 9 năm và một hợp đồng bao gồm cả hai khâu trên thường kéo dài trong 17 năm. Trong thời kỳ khủng hoảng 2008, cổ phiếu của các công ty thuộc ngành này cũng ít bị ảnh hưởng nhất.

Các doanh nghiệp xử lý rác thải có một vài nguồn thu giúp họ thích ứng tốt với khủng hoảng. Ví dụ, ngoài tiền công thu gom rác, các công ty chuyển rác thành năng lượng còn thu được tiền từ năng lượng họ tạo ra và từ lượng kim loại thu được sau quá trình xử lý.

Những lo ngại về hiện tượng trái đất nóng lên là một lực đẩy lớn cho ngành xử lý rác thải. Khí metan từ các bãi rác chỉ chiếm khoảng 4% lượng khí nhà kính và chúng có thể được xử lý một cách dễ dàng mà tốn ít chi phí.

Thu Hương

Theo InfoNet

TIN TỨC LIÊN QUAN