NEWS

Việt Nam là 'thỏi nam châm lớn' trong TPP

Theo Amcham Singapore, khoảng 57% doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong khu vực ASEAN cho rằng, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất để mở rộng đầu tư.

Nếu như năm 2013 có 22 doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm môi trường kinh doanh thì trong 6 tháng đầu năm 2014 có đến 3 đoàn doanh nghiệp với số lượng lớn (gồm nhiều tập đoàn danh tiếng của Mỹ như Boeing, Apple, AIG, Exxon Mobil…) tìm kiếm cơ hội đầu tư. Mới đây, đoàn hơn 30 doanh nghiệp thuộc Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN cũng đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực xây dựng.

Ông Ted Osius, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho hay: “Bất cứ công ty Mỹ nào có ý định đầu tư vào Đông Nam Á cũng muốn hiện diện ở Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp đang gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Họ muốn tới đây để hiểu thêm về Việt Nam, cũng như tìm kiếm cơ hội. Tôi cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn”.

Các doanh nghiệp nước ngoài thể hiện mức độ quan tâm ngày càng lớn sau khi Việt Nam xác nhận gia nhập TPP. Lợi thế đầu tiên chính là dân số trẻ giúp thúc đẩy sức mua trung bình được tăng lên theo thời gian. Tình hình chính trị ổn định, các chính sách ưu đãi của Chính phủ về đầu tư thương mại đã đưa quốc gia này thành thị trường chiến lược dài hạn của các tập đoàn Mỹ.

TPP chính là nguồn năng lượng mới cho phát triển kinh tế Việt Nam từ sau cải cách năm 1986. Gia nhập “sân chơi thương mại” đòi hỏi bộ máy chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp phải mạnh lên, bản lĩnh hơn. Bên cạnh những “cơ hội vàng” mà hiệp định này mang lại, doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối diện với những thay đổi về chế độ pháp lý.

Giữa sân chơi của những nước phát triển, tiêu biểu là Mỹ và Nhật Bản, làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể đứng vững và không bị đào thải? Liệu sức ép cạnh tranh có khiến Việt Nam vươn cao hơn hay bị đẩy sâu xuống? Trước thềm “Hội nghị Lãnh đạo Doanh nghiệp Việt Nam 2016” diễn ra vào ngày 8/4 tới đây, nhiều chuyên gia đã đưa ra những nhận định cũng như gợi ý cơ hội cho doanh nghiệp nội khi hội nhập TPP.

Ông Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Thương mại, Cố vấn đoàn đàm phán TPP, nhận định: “TPP sẽ tạo ra một sự cân bằng mới từ việc mở rộng thị trường xuất khẩu, thay vì xuất khẩu nông sản, nguyên liệu thô sang Trung Quốc. Điều này giúp Việt Nam bớt phụ thuộc và dần thoát khỏi Trung Quốc”.

Bàn về vấn đề thuế trong TPP có ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp Việt Nam, ông Hà Duy Tùng (Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính – Trưởng nhóm Hàng hóa của Đoàn đàm phán TPP Việt Nam) cho hay: “TPP mang lại nhiều lợi ích lâu dài nhưng cũng lắm khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Thuế suất 0% ở nhiều mặt hàng tạo động lực đầu tư cạnh tranh với các mặt hàng tương tự của nước khác. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức của doanh nghiệp khi đối mặt với sự tiên tiến của nước bạn”.

Khi gia nhập TPP, những cam kết về quan hệ lao động quốc tế vẫn cần được kiện toàn trong môi trường làm việc tại Việt Nam. Trọng tâm vẫn là tôn trọng quyền tự do liên kết và thương lượng thảo luận tập thể, cấm lao động cưỡng bức, cấm lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử. Đây là điều các doanh nghiệp cũng như nhà quản lý trong nước cần lưu tâm khi vận hành hoạt động của mình trong thời đại mới.

Ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Quan hệ Lao động, Bộ Laođộng, Thương binh và Xã hội Việt Nam cho biết: “Từ nay đến năm 2018, thời gian thực thi hiệp đinh TPP, Việt Nam cần rà soát sửa đổi luật pháp, chuẩn bị các cơ chế tiết chế bộ máy trực tiếp, để cho công chúng, doanh nghiệp, chính quyền biết và có sự chuẩn bị phù hợp nhất”.

Xoay quanh Vietnam Leadership Summit 2016, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được cung cấp, giải đáp những thông tin cần thiết để tận dụng cơ hội trong TPP. Cụ thể là những chiến lược giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức để chuẩn bị cho cuộc hội nhập và cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế thế giới hùng mạnh.

Nguồn: baocongthuong.com.vn

TIN TỨC LIÊN QUAN