Petrovietnam dự kiến chi hơn 1 tỷ USD cho đầu tư thượng nguồn
Sau khi tạo đáy vào năm 2020, đầu tư vào khâu thượng nguồn trong lĩnh vực dầu khí trên toàn cầu đã tăng lên rõ rệt với động lực chính đến từ việc giá dầu thô neo cao dưới các tác động địa chính trị và nguồn cung bị siết chặt.
Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy, đầu tư vào khâu thượng nguồn dầu khí trong năm 2022 đã tăng 11% so với năm 2021, và ước tính tăng 7% trong năm 2023. Trong đó, riêng tại khu vực Trung Đông ghi nhận mức tăng trưởng đầu tư lên tới 33% trong năm ngoái.
Hiện nhiều tổ chức uy tín trên thế giới nhận định giá dầu thô sẽ tiếp tục neo cao trong giai đoạn 2024 – 2025. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo tiêu thụ dầu thô toàn cầu sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay, vượt qua mức tăng trưởng nguồn cung. Qua đó, đầu tư vào hoạt động thượng nguồn dự kiến sẽ vẫn ở mức cao và thậm chí có thể tăng nhẹ.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng gia tăng đầu tư vào khâu thượng nguồn dầu khí. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư kể từ sau đại dịch, mở ra chu kỳ phát triển mới cho ngành dầu khí trong nước.
Theo báo cáo mới đây của hãng Chứng khoán VNDirect, trong năm nay, Petrovietnam có kế hoạch đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng (2 tỷ USD), tăng 54% so với số vốn đầu tư thực tế của năm 2023, trong đó đầu tư thượng nguồn sẽ chiếm 52% tổng số vốn đầu tư trên.
Trên thực tế, sản lượng dầu khí của Việt Nam đã liên tục giảm kể từ năm 2015, chủ yếu là do thiếu vắng các dự án dầu khí lớn trong nhiều năm qua do việc giá dầu sụp đổ vào năm 2014 và duy trì ở mức thấp trong nhiều năm khiến các dự án dầu khí lớn trở nên không hiệu quả về mặt kinh tế.
Do các dự án dầu khí luôn kéo dài trong nhiều năm, Petrovietnam được kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vốn trong những năm tới, báo hiệu hoạt động tại khâu thượng nguồn dầu khí trong nước sẽ ngày càng sôi động hơn kể từ năm 2024 trở đi. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn, trước hết là cho các nhà thầu EPCI và sau đó là các nhà cung cấp dịch vụ khoan và các dịch vụ thượng nguồn khác.
Trong thời gian gần đây, nhiều dự án dầu khí trong nước có những chuyển động đáng kể. Điển hình, đối với dự án Lạc Đà Vàng, tập đoàn Murphy Oil (Mỹ) đã đưa ra Quyết định Đầu tư cuối cùng (FID) cho dự án này vào cuối năm 2023.
Đối với Dự án Nam Du – U Minh, tập đoàn Jadestone Energy (Singapore) đã ký thỏa thuận khung (HOA) với Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) liên quan đến việc mua bán khí và phát triển các mỏ khí Nam Du và U Minh ngoài khơi Việt Nam vào tháng 01/2024.
Tại Dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2B, các chủ mỏ đang làm việc với cơ quan có thẩm quyền để đàm phán và gia hạn Hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí (PSC). PSC sẽ là tiền đề để thực hiện các bước tiếp theo của dự án.
Tại Dự án Thiên Nga – Hải Âu, liên doanh Zarubezhneft EP Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển mỏ khí ngoài khơi biển Việt Nam từ năm 2025. Công ty có kế hoạch lắp đặt giàn khai thác cho giai đoạn 1 từ quý 3/2025 với mục tiêu có dòng khí khai thác thương mại đầu tiên từ quý 4/2026.
Kỳ vọng “siêu” dự án Lô B – Ô Môn sớm có FID
Đáng chú ý, theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, Lô B – Ô Môn chuỗi dự án phát triển mỏ khí lớn nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại dự kiến sẽ sớm có FID trong quý 2 – quý 3/2024.
Theo Petrovietnam, dự án này đóng góp khoảng 19,2 tỷ USD vào ngân sách nhà nước trong suốt vòng đời 20 năm của dự án. Đồng thời, 4 nhà máy nhiệt điện khí tại trung tâm điện lực Ô Môn (Cần Thơ) với tổng công suất 3.810 MW sẽ bổ sung đáng kể nguồn điện cho khu vực miền Nam. Đặc biệt, khí từ Lô B sẽ giúp Việt Nam đảm bảo tự chủ cung cấp khí cho sản xuất điện so với các nguồn nhập khẩu khác như LNG hay than đá.
Với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ USD cho nhiều tiểu dự án thành phần từ thượng nguồn đến hạ nguồn, Lô B – Ô Môn sẽ tạo ra cú hích lớn cho hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dầu khí Việt Nam.
Cuối tháng 3 vừa qua, MOECO – một trong những chủ đầu tư mỏ khí Lô B – đã ra FID cho dự án Lô B. Đồng thời, PetroVietnam và các đối tác đã ký kết một số thỏa thuận thương mại quan trọng của chuỗi dự án Lô B – Ô Môn, gồm: Hợp đồng mua bán khí (GSPA) giữa chủ mỏ khí; Hợp đồng vận chuyển khí (GTA); Hợp đồng đấu nối, vận hành và dịch vụ (TOSA) giữa các chủ mỏ và đơn vị vận chuyển, và Hợp đồng bán khí Lô B (GSA) giữa bên bán (Petrovietnam) và bên mua (EVNGENCO2).
Về cơ bản, để đảm bảo triển khai đồng bộ, dự án cần có FID từ hai chủ sở hữu còn lại, đặc biệt là Petrovietnam – nhà đầu tư lớn nhất ở cả phân khúc thượng, trung và hạ nguồn. Hiện nay, vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến việc phát triển các nhà máy điện khí tại Ô Môn.
Với vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng quốc gia cùng các bước tiến lớn đã đạt được thời gian qua, Petrovietnam được kỳ vọng sẽ sớm hoàn tất việc tháo gỡ các nút thắt còn lại để sớm đưa ra FID cho chuỗi dự án Lô B – Ô Môn, tạo tiền đề triển khai đồng bộ và toàn bộ chuỗi dự án này.