NEWS

Công suất amoniăc toàn cầu sẽ gia tăng mạnh

Sự phát triển của thị trường amoniăc có liên quan chặt chẽ đến sự tăng trưởng của thị trường phân bón. Những năm đầu thập niên 1920, thế giới đã chứng kiến sự nổi lên mạnh mẽ của ngành sản xuất phân bón. Khi đó, vai trò quan trọng của amoniăc trong sản xuất phân bón cũng đã được xác định. Do nhu cầu amoniăc ngày càng tăng, nhiều nhà máy mới đã được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu này. Trong những thời kỳ đầu, không chỉ chi phí lưu trữ và vận chuyển amoniăc mà cả chi phí nhân công cũng rất cao do thiếu lao động có kỹ năng. Vì vậy, nhìn chung trong thời gian đó chi phí tuyển dụng và sử dụng lao động có tay nghề cũng như chi phí lưu trữ và vận chuyển đã chiếm tỷ lệ rất lớn trong chi phí sản xuất amoniăc.

Đến thập niên 1990, chi phí năng lượng và các tiện ích hỗ trợ cùng với chi phí tiếp thị trở thành thành phần chính trong chi phí của phần lớn các nhà máy sản xuất amoniăc. Vào thời kỳ này, mối quan tâm của ngành sản xuất amoniăc không chỉ giới hạn ở việc gia tăng sản lượng. Các hoạt động nghiên cứu và triển khai đã được chú trọng hàng đầu, dẫn đến các dự án đầu tư quy mô lớn. Cũng trong thời gian này, nhận thức về an toàn sản xuất đã tăng rất cao, vì vậy việc thực hiện các quy định an toàn chiếm một phần đáng kể trong chi phí sản xuất amoniăc.

Từ thập niên 2000 trở đi, ngành sản xuất amoniăc đã tập trung ngày càng nhiều vào việc gia tăng công suất của các nhà máy. Một số nhà máy mới cũng đã được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Ngoài việc tuân thủ các quy tắc an toàn, các nhà sản xuất đã chấp thuận và áp dụng những phương pháp giảm thiểu rủi ro cũng như các hệ thống cung ứng linh hoạt. Nhưng trong thời gian đó hoạt động thương mại amoniăc đã bị ảnh hưởng nhiều bởi những hạn chế của nguồn cung trên thị trường.

Amoniăc là hóa chất hàng hóa mà tuy được sản xuất ở hơn 80 quốc gia nhưng vẫn có một thị trường với tính tập trung và cạnh tranh cao. 10 nhà sản xuất amoniăc hàng đầu trên thế giới chiếm khoảng 20% công suất amoniăc toàn cầu. Hầu như tất cả các nhà sản xuất chính trong lĩnh vực này đều có danh mục sản xuất đa dạng với những sản phẩm cuối dòng như urê và phân đạm.

Hiện nay, có thể phân chia các nhà cung ứng chính trên thị trường amoniăc thành hai loại sau:

  • Các nhà cung ứng trọn gói: Đây là những nhà cung ứng amoniăc cùng với các sản phẩm hoàn thiện như urê và phân bón, họ cung cấp sản phẩm cho khách hàng ở các ngành công nghiệp khác nhau như nông nghiệp, quốc phòng, công nghiệp hóa chất. Những nhà cung ứng này thường có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và có thể cung cấp những giải pháp trọn gói cho khách hàng
  • Các nhà cung ứng riêng rẽ – Đây là những nhà cung ứng chỉ thực hiện các giao dịch thương mại về amoniăc, họ cũng hợp tác với các công ty sử dụng amoniăc làm nguyên liệu sản xuất phân bón

Năm 2015, nước nhập khẩu phân đạm lớn nhất thế giới là Mỹ đã nhập khẩu hơn 16 triệu tấn amoniăc, UAN và urê, chiếm khoảng 8% sản lượng amoniăc toàn cầu.

Theo dự báo, nhập khẩu amoniăc trên toàn cầu sẽ đạt đến 9 triệu tấn vào năm 2020. Hiện tại, khu vực Bắc Mỹ có gần 60 nhà máy amoniăc đang hoạt động và khoảng 35 nhà máy dự kiến sẽ đi vào vận hành trong năm 2018.

Xu hướngtăng trưởng công suất

Theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu và tư vấn Global Data, công suất amoniăc toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh từ 225,3 triệu tấn/năm trong năm 2015 lên 271 triệu tấn/năm vào năm 2020.

Báo cáo mới nhất của Global Data cho biết, Mỹ và Iran sẽ đẩy mạnh kế hoạch mở rộng sản xuất amoniăc. Hai quốc gia này hiện chiếm phần lớn trong 80 dự án amoniăc đã được lập kế hoạch và dự tính sẽ đi vào vận hành trong 5 năm tới.

Ngành sản xuất amoniăc được dự báo sẽ chi 21,8 tỉ USD trong thời gian từ nay đến năm 2020 cho những dự án sắp tới. Trong đó, Mỹ, Ấn Độ và Iran là ba quốc gia có mức chi tiêu vốn đầu tư hàng đầu để mở rộng công suất amoniăc.

Mỹ hiện có 15 dự án amoniăc đã lập kế hoạch, dự kiến sẽ bổ sung thêm công suất khoảng 8,3 triệu tấn/năm cho đến năm 2020. Chi tiêu vốn đầu tư cho những dự án này sẽ đạt tổng cộng 3,47 tỉ USD trong 5 năm tới. Hai công ty hàng đầu, chiếm phần lớn mức gia tăng công suất amoniăc sắp tới tại Mỹ là CF Industries Holdings. và Incitec Pivot Limited.

Iran có 12 dự án amoniăc đã lập kế hoạch và đến năm 2018 sẽ bổ sung thêm khoảng 7,4 triệu tấn/năm công suất amoniăc. Quốc gia này dự tính sẽ chi tiêu hơn 3 tỉ USD vốn đầu tư cho những dự án này trong thời gian 2 năm tới. Công ty sẽ bổ sung công suất amoniăc nhiều nhất tại Iran là National Petrochemical Company.

Dữ liệu của Global Data cũng cho biết, công suất amoniăc tại châu Á sẽ tăng mạnh cho đến năm 2020, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc là 2 quốc gia sẽ dẫn đầu xu hướng gia tăng công suất amoniăc. Hai quốc gia này sẽ bổ sung khoảng 6,2 triệu tấn/năm công suất amoniăc trong 5 năm tới, với tổng chi phí đầu tư 4,07 tỉ USD.

Tại châu Phi, phần lớn các dự án bổ sung công suất amoniăc sẽ được thực hiện ở Nigiêria với kế hoạch bổ sung khoảng 4,2 triệu tấn/năm amoniăc trong năm 2017. Chi tiêu vốn đầu tư cho những dự án này sẽ đạt tổng cộng 1,39 tỉ USD trong năm 2017, trong đó Tập đoàn Dangote chiếm phần lớn công suất amoniăc bổ sung trong nước.

Tại châu âu, phần lớn các dự án gia tăng công suất amoniăc sẽ được thực hiện ở Nga với kế hoạch bổ sung khoảng 3,5 triệu tấn/năm vào năm 2018. Chi phí vốn đầu tư cho những dự án này sẽ lên đến tổng cộng 2,05 tỉ USD vào năm 2018.

Tại Nam Mỹ, Braxin hiện có kế hoạch đầu tư 1,17 tỉ USD để bổ sung thêm khoảng 1,7 triệu tấn công suất amoniăc. Những dự án này dự kiến sẽ được hoàn thành và đi vào vận hành trong năm 2020.

Nguồn: Tạp chí Công nghiệp hóa chất số 3-2017

TIN TỨC LIÊN QUAN