Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón đã được quy định trong Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp và đã được sửa đổi bổ sung trong Nghị định số 115/2016/NĐ-CP ngày 8/7/2016 của Chính phủ. Tuy nhiên, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính về phân bón đã bộc lộ một số điểm bất cập, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định mới và phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội.
Bổ sung một số hành vi vi phạm mới
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón. Tại dự thảo, Bộ đề xuất bổ sung quy định xử phạt một số hành vi vi phạm mới.
Cụ thể, về sản xuất phân bón, Bộ đề xuất bổ sung các hành vi: Sản xuất phân bón có nội dung nhãn không đúng theo quy định (tăng mức phạt); không thực hiện thu hồi hoặc không tuân thủ thời hạn thu hồi phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; hoạt động sản xuất phân bón khi đã bị đình chỉ hoạt động hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất đã hết hạn, bị tước quyền sử dụng, bị thu hồi. Sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam. Đồng thời, đề xuất hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón và biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi phân bón có nhãn sai quy định và thay nhãn theo đúng quy định.
Về buôn bán phân bón, Bộ đề xuất bổ sung các hành vi vi phạm như: Buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam hoặc hết hạn sử dụng; buôn bán phân bón trong thời gian giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán hết hạn, đang bị đình chỉ hoạt động buôn bán, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; buôn bán phân bón khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán. Đề xuất hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón có thời hạn, đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón có thời hạn và biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thu hồi phân bón đã bị đình chỉ sản xuất, đình chỉ tiêu thụ, không có tên trong danh mục phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam, phân bón hết hạn sử dụng; buộc tiêu hủy phân bón không có Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam, phân bón hết hạn sử dụng, phân bón bị đình chỉ sản xuất, đình chỉ tiêu thụ có chứa hàm lượng kim loại nặng, vi sinh vật gây hại và các chất độc khác vượt mức quy định.
Về nhập khẩu phân bón, Bộ đề xuất bổ sung các hành vi vi phạm như: Nhập khẩu phân bón không có tên trong danh mục phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam; nhập khẩu phân bón phải có giấy phép nhập khẩu phân bón của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà không có giấy phép nhập khẩu; nhập khẩu phân bón hết hạn sử dụng; đưa vào sản xuất, lưu thông hoặc không bảo quản nguyên trạng phân bón, nguyên liệu phân bón khi chưa có thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu; làm giả, tẩy xóa làm sai lệch nội dung của giấy phép nhập khẩu phân bón. Đề xuất hình thức xử phạt bổ sung về thu hồi Giấy phép nhập khẩu phân bón và biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất hoặc tiêu hủy phân bón.
Về khảo nghiệm phân bón, bổ sung hành vi gian lận trong hoạt động khảo nghiệm phân bón.
Về sử dụng phân bón, bổ sung các hành vi vi phạm như: Sử dụng phân bón không đúng với nội dung hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn phân bón; sử dụng phân bón không có Quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam. Quy định biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy phân bón không có tên trong danh mục phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam.
Đảm bảo tính răn đe của pháp luật
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo dự thảo, mức phạt tiền được thiết kế ở khung hợp lý để phù hợp tính chất, mức độ và quy mô vi phạm; tránh tùy tiện trong quá trình xử phạt, đồng thời có tính toán phù hợp với thẩm quyền của người được xử phạt, bảo đảm việc xử phạt được kịp thời và nhanh chóng. Tăng mức phạt đối với hành vi sản xuất phân bón có yếu tố hạn chế nhằm đảm bảo được tính răn đe của pháp luật.
Nguồn: baochinhphu.vn