NEWS

Nhu cầu phân bón toàn cầu – Những thách thức trước mắt và triển vọng dài hạn

Nhu cầu phân bón trước mắt

Nếu không tính đến tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, nhu cầu phân bón toàn cầu đã tăng trưởng tốt từ năm 2000. Nhu cầu phân bón thế giới năm 2000 đạt khoảng 140 triệu tấn, đến năm 2018 con số này lên đến gần 200 triệu tấn.
Nhưng nhu cầu phân bón toàn cầu năm 2019 cũng chỉ đạt khoảng 200 triệu tấn, gần như không tăng so với năm trước. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự chững lại của nhu cầu phân bón trong ngắn hạn.

Nguyên nhân thứ nhất là diện tích đất canh tác tại Mỹ năm 2019 thấp hơn so với năm trước do thời tiết đặc biệt ẩm ướt, vì vậy lượng phân bón được sử dụng cũng thấp hơn.

Nguyên nhân thứ hai là nhu cầu phân bón ở Trung Quốc giảm. Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong nhu cầu phân bón toàn cầu, tuy nhiên tỷ trọng này đang giảm. Nhu cầu phân bón của Trung Quốc năm 2018 đạt 200 triệu tấn, chiếm khoảng 30% nhu cầu toàn cầu. Nhưng đến năm 2024 nhu cầu này được dự báo sẽ giảm xuống chỉ còn gần 25% nhu cầu toàn cầu.

Những yếu tố dẫn đến sự suy giảm nhu cầu phân bón ở Trung Quốc là thị trường nông sản không thuận lợi, tỷ lệ sử dụng phân bón giảm, quy mô nông trại và hiệu quả sử dụng phân bón tăng, đồng thời các phương thức bón phân cũng thay đổi.

Bước sang năm 2020, một số sự kiện lớn trên toàn cầu đã ảnh hưởng mạnh đến ngành sản xuất phân bón và thị trường phân bón thế giới.

Những thách thức lớn trên toàn cầu

Trong những tháng đầu năm 2020, một số yếu tố đã bắt đầu đe dọa triển vọng nhu cầu phân bón toàn cầu.

Yếu tố thứ nhất là khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ sẽ kéo theo sự suy giảm của nhu cầu phân bón. Một cuộc khảo sát của Công ty CRU cho thấy khả năng suy thoái của nền kinh tế Mỹ trong những quý cuối năm có thể lên đến 50%. Đây có thể là rủi ro lớn đối với nhu cầu phân bón tại Mỹ, tương tự như cuộc suy thoái giai đoạn 2008-2009 đã kéo nhu cầu phân bón thế giới xuống thấp.

Yếu tố thứ hai là chiến tranh thương mại đang tiếp diễn giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, một trong những khía cạnh đáng chú ý của cuộc tranh chấp này là nó đã khiến cho nhu cầu phân bón của Braxin tăng mạnh. Do Trung Quốc quay sang mua nhiều đậu nành hơn từ Braxin, nhu cầu về đậu nành Braxin trên thị trường quốc tế đã tăng cao. Diện tích trồng đậu nành của Braxin đã tăng từ trước khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thì nay lại tiếp tục tăng. Do đó, sang năm 2020 nhu cầu phân bón của Braxin đã tăng 5 năm liên tiếp, đạt gần 30 triệu tấn. Năm 2010, con số này chỉ là 15 triệu tấn.

Nhưng một thách thức lớn đối với ngành sản xuất phân bón và thị trường phân bón thế giới hiện nay là đại dịch COVID-19. Bùng phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, dịch COVID-19 đã nhanh chóng lây lan ra khắp toàn cầu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng và sức khỏe của người dân, đồng thời dẫn đến các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội, khiến cho hoạt động kinh tế của nhiều nước trên thế giới bị gián đoạn nghiêm trọng.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19

Khi dịch COVID-19 lan ra khắp thế giới, thị trường phân bón toàn cầu đã gặp những thách thức lớn do những tác động liên quan đến hậu cần và kinh tế. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 8-6-2020, nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm nghiêm trọng ở mức 5,2% trong năm nay do tác động của dịch Covid-19 cùng với các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Ðiều này có nghĩa đây sẽ là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay. Báo cáo của WB cũng dự báo hoạt động kinh tế của các nền kinh tế phát triển sẽ giảm 7% trong năm 2020 do cung cầu, thương mại và tài chính trong nước bị ngưng trệ nghiêm trọng. Các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE) dự kiến sẽ giảm 2,5% trong năm nay. Ðây là sự sụt giảm lần đầu của nhóm này trong vòng ít nhất 60 năm qua. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến sẽ giảm 3,6% và sẽ khiến từ 70 đến 100 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực trong năm 2020.

Trước mắt, những tác động lớn nhất vẫn là những hạn chế và trở ngại về hậu cần. Hệ thống hậu cần của các nước đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng phong tỏa, khiến cho hoạt động vận chuyển và xuất nhập khẩu phân bón bị cản trở.

Tại Trung Quốc, các cơ sở sản xuất phân bón quy mô lớn tại tỉnh Hồ Bắc đã bị đóng cửa trong thời gian dịch. Vì vậy, từ chỗ là nước xuất khẩu DAP lớn nhất thế giới Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu ròng sản phẩm phân bón này.

Tại Mỹ, thị trường phân bón đã trở thành nạn nhân tiếp theo của dịch COVID-19 do sự sụt giảm của nhu cầu nhiên liệu đã tác động đến sản lượng ngô sử dụng cho sản xuất etanol.

Các biện pháp phòng chống virut corona đã ảnh hưởng mạnh đến ngành năng lượng, khiến cho nông dân Mỹ phải vất vả xử lý lượng hàng tồn kho tăng cao với giá giảm sâu, vì vậy sản lượng nông sản vụ mùa 2020-2021 sẽ giảm. Đơn đặt hàng phân bón cho vụ mùa thu dự kiến sẽ giảm mạnh do người nông dân gặp khó khăn về thu nhập, diện tích đất gieo trồng cho vụ mùa có khả năng sẽ bị cắt giảm. Nhìn chung, giá nông sản đã giảm nhanh hơn giá phân bón. Người nông dân Mỹ đứng trước khả năng sẽ mất tổng cộng tối thiểu 1,37 tỉ USD thu nhập từ ngô do nhu cầu ngô của ngành sản xuất etanol tụt dốc mạnh so với năm trước.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, sản lượng etanol tháng 4 tại đây đã giảm một nửa so với tháng 1 năm nay trong bối cảnh nhu cầu suy yếu vì các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại.

Nhu cầu etanol đã bắt đầu phục hồi trong tháng 5, giá ngô vì vậy cũng phục hồi từ mức thấp nhất trong vòng 4 năm. Nhưng người nông dân đã phải chịu nhiều thiệt hại và tồn kho đang ở mức cao nhất trong vòng 33 năm qua, vì vậy diện tích gieo trồng ngô trong các vụ mùa tới sẽ giảm.

Cuối tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký gói hỗ trợ hơn 30 tỉ USD cho nông dân Mỹ, một gói bổ sung khác với giá trị 66 tỉ USD đang được Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ này không bảo đảm chi tiêu mua phân bón của người nông dân sẽ bằng hoặc vượt mức của năm trước, do các khoản nợ của người nông dân đã tăng cao đến mức kỷ lục. Các khoản tiền hỗ trợ vì vậy dự kiến sẽ được sử dụng chủ yếu để trả nợ, thay cho việc mua phân bón mới cho vụ mùa tới.

Hơn nữa, người nông dân có xu hướng cắt giảm chi phí để trả nợ, nên nếu tác động kinh tế của dịch COVID-19 kéo dài sang năm tới, nhiều nông dân có khả năng sẽ tăng diện tích các cây trồng sử dụng ít phân bón hơn, ví dụ đậu nành.

Triển vọng trung và dài hạn

Một yếu tố tích cực hiện nay đối với nhu cầu phân bón toàn cầu là lượng sử dụng phân đạm tại Ấn Độ đang tăng. Trong khi doanh số DAP và phân kali 10 tháng đầu năm 2019 giảm thì doanh số urê lại tăng 12% so với năm trước. Đây là kết quả của những nỗ lực hợp lý hóa sản xuất trong ngành phân bón Ấn Độ những năm qua. Mặt khác, những đợt mưa cuối mùa cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho vụ mùa sắp tới. Hơn nữa, xu hướng ưa chuộng sử dụng phân urê của người nông dân Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Về trung hạn, nhu cầu phân bón toàn cầu đến năm 2024 được dự báo sẽ tăng trưởng nhẹ. Tổng nhu cầu phân bón toàn cầu năm 2024 có thể vượt ngưỡng 200 triệu tấn, trong đó nhu cầu phân đạm tăng 1,2%/năm, phân lân tăng 1,7%/năm và phân kali tăng 1,8%/năm.

Nhu cầu phân bón của châu Phi được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao, có khả năng sẽ tăng 5,5%/năm. Những khu vực khác có tốc độ tăng trưởng nhu cầu cao là Nam Mỹ (3,8%/năm) và Đông Nam Á (3,2%/năm).

Những thay đổi lớn nhất về khối lượng tiêu thụ phân bón dự kiến sẽ diễn ra ở Nam Mỹ. Nhu cầu phân bón năm 2024 tại đây có thể tăng thêm 5 triệu tấn so với năm 2019.

Thị trường phân bón tại Trung Quốc đang tiếp tục phát triển. Tuy nhu cầu phân bón dùng cho cây ngũ cốc giảm, nhưng bù lại lượng phân bón sử dụng cho rau xanh và cây ăn quả đang tăng. Nhìn chung, nhu cầu phân đạm và phân lân của Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục giảm, nhưng nhu cầu phân kali sẽ tăng.

Năm 2018, nhu cầu phân đạm tại Trung Quốc đạt 25 triệu tấn, nhu cầu phân lân khoảng 10 triệu tấn. Nhu cầu cả hai loại chất dinh dưỡng này đều được dự báo sẽ giảm trong những năm tới, trong khi đó nhu cầu phân kali sẽ tăng và đến năm 2024 sẽ đạt trên 10 triệu tấn.

Về dài hạn (2024-2042), các biện pháp tăng hiệu quả sử dụng phân bón sẽ được áp dụng ở một số khu vực. Vì vậy, tiêu thụ phân bón tại Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á có thể giảm, nhưng sẽ được bù đắp lại bằng sự gia tăng nhu cầu ở các khu vực khác như Đông Âu, Nam Mỹ và châu Phi.

Thị phần của các khu vực trên thị trường phân bón toàn cầu cũng sẽ thay đổi. Thị phần của các khu vực như Bắc Mỹ và châu âu sẽ giảm: thị phần của Bắc Mỹ giảm từ 16% năm 2000 xuống 10% trong năm 2040, thị phần của châu âu giảm tương ứng từ 17% xuống 12%. Nhưng thị phần của một số khu vực khác như Nam Mỹ sẽ tăng: thị phần của Nam Mỹ tăng từ 7% năm 2000 lên 16% năm 2040, thị phần của châu Phi tăng tương ứng từ 3% lên 7%.

Nguồn: Công nghiệp Hóa chất số 11/2020

TIN TỨC LIÊN QUAN