NEWS

Thay đổi để tồn tại

Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến doanh nghiệp (DN) lẫn người lao động (NLĐ). Rất nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dẫn đến NLĐ bị mất việc hoặc thiếu việc làm. Khó khăn là điều không ai mong muốn, do vậy cả DN lẫn NLĐ phải thay đổi để thích nghi, nhất là trong trạng thái bình thường mới. Đó là nhận định chung các đại biểu tại tọa đàm “Cơ hội nào cho NLĐ trong trạng thái bình thường mới?” do Công ty CP Truyền thông Alo và Thắng Lợi Group phối hợp tổ chức mới đây.

Cơ hội trong thách thức

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Lưu Nga, CEO Elise, cho biết Covid-19 đối với DN và NLĐ như là “cơn sóng thần”. Tại Việt Nam, 120 cửa hàng bán lẻ trên cả nước của Elise 100% phải đóng cửa. “Chúng tôi không bán được hàng nhưng vẫn phải chi trả các chi phí vận hành. DN lớn thường phải có dự phòng cho mọi tình huống, do vậy ở giai đoạn 1, chúng tôi vẫn bình tĩnh để xử lý mọi việc. Đến giai đoạn 2, do đã có kinh nghiệm từ giai đoạn 1, nên chúng tôi vượt qua được khó khăn, không phải đóng cửa bất cứ một cửa hàng nào, 100% NLĐ được bảo đảm việc làm và thu nhập. Thành công ấy là do DN và NLĐ đồng lòng vượt khó” – bà Lưu Nga cho hay.

Theo ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng Giám đốc Thắng Lợi Group, thách thức do dịch bệnh vẫn có thể tạo ra cơ hội. Ngoài thay đổi để thích ứng thì NLĐ cần cập nhật kiến thức, kỹ năng mới. “Dịch bệnh thì ai cũng khó khăn nhưng chúng ta có quyền chọn cách để đối mặt với nó. Thái độ và tư duy tích cực trong và sau dịch có ý nghĩa quyết định cơ hội của chúng ta. Trong đợt dịch vừa rồi, dù đã 3 lần thay đổi mục tiêu nhưng chúng tôi không cắt giảm bất kỳ một nhân sự nào. Chúng tôi đã biến cơ hội thành vận hội” – ông Quyền chia sẻ.

Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là AI (trí tuệ nhân tạo) là tác nhân phát triển nhưng cũng là thách thức đối với DN. Theo các chuyên gia, AI giúp quản trị rất nhiều thứ nhưng vẫn cần con người. Do vậy, lao động phổ thông không lo mất việc mà phải vui mừng bởi với sự trợ giúp của công nghệ, các sản phẩm chất lượng hơn sẽ được tạo ra, năng suất tốt hơn và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng hơn. “Nhờ Covid-19, DN của tôi mới ứng dụng thương mại điện tử vào mô hình kinh doanh, giúp doanh thu gia tăng. Trong 3 tháng gần đây, doanh số online của Elise tăng gấp 7 lần. Covid-19 không phải là một thách thức đối với ngành bán lẻ, ngược lại nó là cơ hội rất lớn” – bà Lưu Nga dẫn chứng.

Thích nghi từ những điều nhỏ nhất

Ông Nguyễn Tuấn Lương, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY), cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, trong đó có những ngành không thể phục hồi và có những ngành phải mất từ 3 – 5 năm để phục hồi nhưng cũng mang lại cơ hội cho nhiều ngành nghề và NLĐ. Khi giãn cách xã hội, không thể mua hàng trực tiếp, người tiêu dùng mua hàng online và điều đó tạo ra việc làm cho nhiều người khác.

“Khi cơ hội đang ít đi chúng ta phải sẵn sàng thay đổi ngay từ bây giờ, chúng ta không thể ngồi chờ. Rõ ràng là công nghệ đang len lỏi vào cuộc sống. Các mảng như làm đẹp hay nấu ăn đều được theo dõi trên big data (dữ liệu lớn) để đưa ra những mô hình tối ưu. Ví dụ như chúng ta đứng trước một chiếc màn hình và máy tính tự đo các thông số, đề xuất chúng ta nên mặc đồ size nào, xu hướng nào. Với tôi, công nghệ không làm mất đi việc làm mà tạo ra nhiều việc làm” – ông Lương khẳng định.

Đồng quan điểm, bà Tiêu Yến Trinh, CEO của Công ty CP Kết nối nhân tài (Talentnet), chia sẻ trước đây, NLĐ làm cố định một công việc và nghĩ là mình sẽ làm hết sức nhưng bây giờ chưa đủ, phải sẵn sàng đón nhận bất kỳ công việc gì mà DN mong đợi và chủ động đề xuất với cấp trên những cơ hội cho mình. Khi dịch chưa bùng phát, DN thường tuyển đúng vị trí chuyên môn. Còn hiện tại, các nhà tuyển dụng ưu tiên tuyển kỹ năng, năng lực vượt khó, năng lực thích ứng. Trong đợt dịch vừa rồi, có sự dịch chuyển nhân sự từ những ngành bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch – khách sạn sang các ngành bảo hiểm, bất động sản có nhu cầu tuyển dụng.

“Theo tôi, NLĐ phải có suy nghĩ cởi mở, không chỉ bó buộc trong chuyên môn của mình mà hãy nhìn những cơ hội chung quanh. Xu hướng tuyển dụng hiện tại của DN là không thích tuyển NLĐ làm trong lối mòn của ngành mà thích bổ sung 20% của ngành khác sang để đa dạng hóa” – bà Trinh cho hay.

Theo ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc phát triển doanh nghiệp Tập đoàn Tiki, đối với những trường hợp không may bị mất việc trong giai đoạn này thì các DN có thể giúp bằng cách kết nối cho họ. Họ đã làm DN một thời gian, chúng ta biết điểm mạnh, điểm yếu của họ là gì. Chúng ta có thể tạo điều kiện, hỗ trợ họ bằng cách viết thư giới thiệu trong mạng lưới của mình. Hoặc các DN có thể ngồi với nhau, có thể DN này thừa chỗ này, DN kia thiếu chỗ nọ, chúng ta giúp cho nhau để điều hòa nhu cầu lao động không chỉ ở quy mô nội bộ công ty, mà là các nhóm DN với nhau.

Kỷ nguyên số mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn

Adecco Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát sự sẵn sàng trong chuyển đổi số của NLĐ và DN trong thời đại bình thường mới. Cuộc khảo sát nhằm xác định mức độ sẵn sàng của DN để chuyển đổi sang quy trình làm việc số hóa. Khảo sát cũng phản ánh nhận thức của NLĐ về khả năng kỹ thuật số của họ và chỉ ra những khía cạnh quan trọng để đẩy nhanh tiến bộ.

Theo đó, có đến 87% NLĐ Việt Nam cho rằng họ đã sẵn sàng cho kỷ nguyên 4.0, 59% thừa nhận họ có các kỹ năng số cần thiết cho công việc trong kỷ nguyên số và khoảng 25% tự tin xác nhận họ có các kỹ năng số nâng cao. NLĐ Việt Nam rất lạc quan về tác động của tiến bộ công nghệ đối với công việc của họ, 48% tin rằng kỷ nguyên số sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn và 42% nghĩ rằng tự động hóa sẽ giúp giảm bớt một số công việc thủ công. Chỉ 3% NLĐ lo lắng robot sẽ lấy đi công việc của họ.

Để đánh giá tầm quan trọng của các kỹ năng số đối với năng suất công việc, 52% NLĐ cực kỳ coi trọng khả năng sử dụng Microsoft Office hiệu quả hơn, 50% đánh giá cao khả năng thích ứng với công nghệ và thiết bị mới để giảm khối lượng công việc thủ công và 50% cho rằng giao tiếp và cộng tác thông qua nền tảng trực tuyến rất quan trọng.

Nguồn tin: Người lao động

TIN TỨC LIÊN QUAN