NEWS

Nhiều chính sách kinh tế sát sườn có hiệu lực từ 1/9

Nới “room” cho nhà đầu tư ngoại

Nghị định 60/2015/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP, bãi bỏ Quyết định 55/2009/QĐ-TTg quy định, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng Việt Nam được thực hiện như sau: Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ thực hiện theo điều ước quốc tế.

Công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì áp dụng quy định đó, trường hợp chưa có quy định mà hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%.

Công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu không vượt quá mức thấp nhất mà các ngành, nghề đó có quy định, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác;

Đối với công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định trên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Ngân hàng được mua nợ khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%

Theo Thông tư 09/2015/TT-NHNN, kể từ 1/9, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập của chi nhánh ngân hàng nước ngoài và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Trường hợp bán nợ thì không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.

Tương tự, Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản là công ty con của tổ chức tín dụng chỉ được mua nợ của tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi tổ chức tín dụng mẹ có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Hướng dẫn cách thức giao dịch điện tử về thuế

Thông tư 110 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, với các thủ tục như: đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế… sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/9/2015.

Theo Thông tư, người nộp thuế đã thực hiện khai thuế điện tử thì phải thực hiện các giao dịch khác với cơ quan thuế cũng bằng phương thức điện tử, trừ trường hợp xảy ra sự cố trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.

Ngoài ra, người nộp thuế phải đáp ứng các điều kiện sau: Có chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hay công nhận. Có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử, có số điện thoại di động (đối với cá nhân chưa được cấp chứng thư số) đã đăng ký sử dụng để giao dịch với cơ quan thuế.

Người nộp thuế được thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày Tết.

Mỗi lao động được vay tối đa 50 triệu đồng để tìm việc làm

Theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm có hiệu lực từ 1/9/2015, cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay 1 dự án tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng.

Đối với mức vay trên 50 triệu đồng từ Quỹ, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.

Thời hạn vay vốn không quá 60 tháng (Thời hạn cụ thể do Ngân hàng chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận). Lãi suất vay vốn bằng với lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Theo dantri.com.vn

TIN TỨC LIÊN QUAN