NEWS

Thị trường săm lốp Việt Nam: Sức ép cạnh tranh ngày càng lớn

Doanh nghiệp (DN) sản xuất săm lốp cao su trong nước đang phải chịu sức ép cạnh tranh ngày một lớn đến từ DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Hàng loạt thương hiệu lớn vào thị trường Việt Nam

Đến nay, những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới về săm lốp như: Bridgestone, Michelin, Yokohama, Cheng Shin… đều đã hiện diện tại Việt Nam. Cụ thể: Cuối năm 2014, Công ty sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Bridgestone Nhật Bản) đã khánh thành nhà máy sản xuất lốp xe radial công nghệ cao tại Khu công nghiệp (KCN) Đình Vũ, TP. Hải Phòng với số vốn đầu tư gần 448 triệu USD, sản lượng 6.000 lốp ôtô/ngày. Cuối tháng 9 vừa qua, hãng Kenda (Đài Loan) đã nhận giấy phép đầu tư nhà máy sản xuất săm lốp xe thứ 2 tại Việt Nam. Nhà máy đặt tại KCN Giang Điền (Đồng Nai) với vốn đầu tư 160 triệu USD. Trước đó, năm 2010, DN này đã đầu tư nhà máy tại KCN Hố Nai (Đồng Nai) với số vốn 100 triệu USD.

Một “ông lớn” nữa là Kumho Tire (thành viên của Tập đoàn Kumho Asiana – Hàn Quốc) đã đầu tư thêm 100 triệu USD (vốn ban đầu 200 triệu USD) mở rộng nhà máy sản xuất săm lốp xe tại Bình Dương, nâng công suất nhà máy từ 3,3 triệu lốp/năm lên 5 triệu lốp/năm.

Sự “đổ bộ” ồ ạt của những thương hiệu săm lốp lớn do Việt Nam có nguồn cao su nguyên liệu dồi dào, giá lao động rẻ. Hơn nữa, thuế xuất khẩu săm lốp của Việt Nam chỉ 0%, trong khi Trung Quốc là 8%. Đáng chú ý, thị trường ôtô trong nước tăng trưởng cao đã tạo thuận lợi cho tiêu thụ lốp xe.

Thực tế trên rõ ràng tạo sức ép không nhỏ đối với DN trong nước. Sức ép này thậm chí còn lớn hơn khi tới đây, thuế đối với sản phẩm cao su được giảm theo một số cam kết WTO, AFTA…

Doanh nghiệp Việt gồng mình “chạy đua”

Trước đây, với loại lốp xe tải radial toàn thép công nghệ cao, Việt Nam phải nhập 100% từ nước ngoài. Hiện tại, DN Việt đã đầu tư sản xuất sản phẩm lốp radial toàn thép. Trước hết phải kể đến Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) đưa nhà máy sản xuất lốp radial có vốn đầu tư 2.900 tỷ đồng vào hoạt động. Nhà máy hoạt động từ tháng 6/2013, đến năm 2018, sẽ đạt công suất 600.000 lốp/năm. Năm 2014, Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina) cũng đưa vào vận hành Nhà máy sản xuất lốp xe tải toàn thép Casumina Radial ở Bình Dương. Dự án có tổng vốn đầu tư 3.380 tỷ đồng, được xây dựng theo 3 giai đoạn. Giai đoạn III (từ cuối năm 2015 đến năm 2017) công suất đạt 1 triệu lốp xe/năm.

Không dừng ở việc xây dựng nhà máy, DN trong nước còn nỗ lực chiếm lĩnh thị trường nội địa thông qua hệ thống phân phối, chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng là một hướng đi tích cực trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Đơn cử như Casumina đã xác định Mỹ là thị trường mục tiêu trong việc đẩy mạnh xuất khẩu. Ngay từ đầu năm, Casumina đã thỏa thuận với đối tác Mỹ về việc xuất khẩu lốp xe radial toàn thép. Theo đó, tổng số lượng lốp xe mà công ty xuất sang thị trường Mỹ trong năm 2015 đạt khoảng 200.000 chiếc, trị giá gần 57 triệu USD.

Nguồn:  Báo Công Thương

TIN TỨC LIÊN QUAN