NEWS

Tạo cơ chế thuận lợi cho quản lý thị trường phân bón Việt Nam

Nhiều bất cập trong quản lý thị trường phân bón

Theo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực phân bón của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong năm 2015, ngành đã phát hiện xử lý 878 vụ vi phạm trong tổng số 3.091 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 10,6 tỷ đồng. Trong năm 2016, lũy kế 7 tháng đã xử lý 399 vụ vi phạm trên tổng số 1.356 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 3,985 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không thực hiện công bố hợp quy; sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đạt chất lượng như công bố hoặc không đạt chỉ tiêu định lượng bắt buộc so với công bố tiêu chuẩn áp dụng. Trên nhãn có thông tin không đúng sự thật, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Nêu lên thực trạng thị trường phân bón hiện nay ở nước ta, ông Nguyễn Hạc Thúy – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị định và Thông tư về quản lý phân bón, tuy nhiên tình hình sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn đang tiềm ẩn, gây nhiều bức xúc và thiệt hại cho các cơ sở làm ăn chính đáng và người nông dân. Các năm qua, con số điều tra chưa đầy đủ, cả nước có 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng bán ra trên 48 tỉnh, thành. Thực tế, tình hình ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp hơn trong cơ sở sản xuất phân bón, trong các đại lý kinh doanh phân bón và trong các phòng kiểm nghiệm, kiểm định.

Đơn cử cho thực trạng trên có thể thấy, vừa qua, thanh tra Bộ NN&PTNT đã có báo cáo Kết luận số 235 ngày 28/4 kiểm tra 11 trung tâm khảo nghiệm kiểm định chất lượng phân bón. 100% đơn vị đều vi phạm các Nghị định và Thông tư về quản lý khảo nghiệm phân bón. Cụ thể, cả 11 Trung tâm đều sai phạm không thực hiện đầy đủ các Nghị định 80, Nghị định 202 của Chính phủ về quản lý phân bón, các Thông tư 08 và 09/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ và các Thông tư số 16,32, số 40-41, 52 và 55/2012/TT-BNNPTNT. Các đơn vị này đã bị đề nghị tước giấy phép hoạt động.

Về cơ chế chính sách, ông Nguyễn Hạc Thúy nêu lên thực trạng, khi Luật 71/2014/QH13 có hiệu lực, nông dân được giảm thuế VAT 5% khi mua phân bón, còn các doanh nghiệp đầu vào mua các hàng hóa, máy móc, vận chuyển, vật tư, chi phí lao động và xây dựng nhà xưởng (không có tên phân bón),… thuế VAT đầu vào không được khấu trừ. Bình quân 6,5-7% thuế VAT không được khấu trừ này, doanh nghiệp sản xuất phân bón buộc phải cộng vào giá thành làm đội giá phân bón lên cao hơn, nông dân phải chịu. Vì vậy, thuế VAT theo Luật 71 giảm cho nông dân 5% mới chỉ có ý nghĩa về hình thức. Cùng với đó, việc ồ ạt nhập khẩu phân bón nước ngoài vào Việt Nam do giá các mặt hàng thế giới đều hạ. Cụ thể, từ khi thực hiện Luật 71 từ tháng 1/2015, nhập khẩu urê tăng 652 nghìn tấn, tăng hơn 3 lần so với năm 2014. 7 tháng năm 2016 lượng urê nhập khẩu tăng gần 360.000 tấn, tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2015, do vậy đã làm cho nhiều nhà máy sản xuất giảm công suất tối đa.

Một thực tế nữa trong việc quản lý phân bón là vẫn còn nhiều chồng chéo giữa Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT. Theo Nghị định 202/2013/NĐ-CP, Bộ NN&PTNT chỉ quản lý từ 5-8% các loại phân bón hữu cơ và phân bón khác, còn lại là phân bón vô cơ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vừa sản xuất phân vô cơ vừa sản xuất phân hữu cơ, do vậy trong quá trình thanh, kiểm tra không có thẩm quyền vào các doanh nghiệp này. Muốn thanh kiểm tra, phải lập liên ngành gồm: Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Quản lý thị trường với các doanh nghiệp thuộc Bộ quản lý; còn ở địa phương, tỉnh lập liên ngành để kiểm tra. Nếu tỉnh nào làm tốt việc này thì không có phân bón giả. Tuy nhiên, trên thực tế thành lập liên ngành mất nhiều thời gian và khó thực hiện.

Cần tạo cơ chế thuận lợi trong công tác quản lý

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, để tạo điều kiện trong công tác quản lý thị trường, chất lượng phân bón, kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành sửa đổi, bổ sung Nghị định 202, Thông tư 41, 29 về quản lý sản xuất kinh doanh phân bón. Trong đó, cần bổ sung nội dung các điểm: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành, huyện, phường, xã,…phải có trách nhiệm quản lý trong phạm vi địa phương, nếu để tình trạng các tổ chức, cá nhân làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng trên địa bàn phải chịu trách nhiệm trước cấp trên.

Bên cạnh đó, tổ chức quản lý phân bón cấp nhà nước chỉ cần để một Bộ quản lý: Bộ Công Thương hoặc Bộ NN&PTNT. Hiện nay, Bộ Công Thương đang phụ trách 90% phân vô cơ; Bộ NN&PTNT phụ trách 10% phân hữu cơ và phân bón khác. Điều này sẽ tạo thuận lợi trong việc quản lý, kiểm tra chất lượng phân bón. Trong khi chưa thay đổi thì cấp tỉnh, thành cần tổ chức ban kiểm tra liên ngành gồm có Sở Công thương và Sở NN&PTNT thành một ban liên hợp, thống nhất quy chế, tiêu chí để tạo thuận lợi cho việc kiểm tra các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ và vô cơ mà không bị chồng chéo.

Theo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, để làm tốt công tác quản lý thị trường phân bón, cần giao Bộ NN&PTNT soạn thảo, chuẩn hóa những loại phân bón phục vụ cho các loại cây trồng chính và quy trình hướng dẫn sử dụng hợp lý những loại phân bón trên. Thông qua đó giúp nông dân thuận lợi trong việc nhận biết, phân biệt tác dụng của từng loại phân bón và sử dụng có hiệu quả. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón và cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng, mẫu mã bao bì, cải tiến công nghệ.

Đặc biệt, kiến nghị với Quốc hội điều chỉnh, bổ sung Điều 3 Luật số 71/2014/QH13 về thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón theo hướng có lợi cho nông dân. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đầu tư công nghệ mới, sản xuất phân bón bảo đảm về chất lượng, giảm giá thành sản xuất, chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, thực hiện mục tiêu đề ra khi ban hành Luật.

Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các địa phương cần chỉ đạo các sở, ban ngành chức năng của tỉnh, thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong đó có ngành nghề kinh doanh phân bón do các cơ quan địa phương cấp. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, chất lượng các loại phân bón, về người lấy mẫu khảo nghiệm, sử dụng phân bón trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, cần phối hợp với hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn, tổ chức các điểm trưng bày hàng mẫu phân bón để người tiêu dùng nhận thức, phân biệt hàng thật, hàng giả, những mặt hàng được phép sử dụng, những mặt hàng cấm sử dụng trên địa bàn./.

Nguồn: Dangcongsan.vn

TIN TỨC LIÊN QUAN