Theo GS. Vũ Minh Giang, chỉ còn ¼ thế kỷ nữa là tròn 100 năm lập nước, điểm mốc năm 2045. Vậy thì, đường tới đích 100 năm, Việt Nam sẽ có hình ảnh như thế nào? Lộ trình đi tới một đất nước tròn 100 năm ghi danh trên bản đồ lịch sử thế giới, chúng ta sẽ khẳng định bản thân như thế nào?
Nhìn về lịch sử Việt Nam, một dân tộc không may rơi vào ách nô dịch của một đế chế có nền văn minh thuộc hàng lâu đời nhất thế giới, đó là văn minh Hán, nhưng sau hơn một nghìn năm lại trở lại đúng là mình, lại trở lại thành một dân tộc độc lập. Đó là hiện tượng “có một, không hai” trong lịch sử thế giới. Phải có gì đó tạo nên sự kiên định, tạo nên sức mạnh đến mức không thể lý giải được của người Việt Nam để vượt qua được những thử thách vô cùng hiểm nghèo như thế, GS. Vũ Minh Giang phân tích.
Rồi đến việc cả thế giới quy phục trước vó ngựa của quân Mông Cổ, “đi đến đâu cỏ không mọc đến đấy”, nhưng đế chế Nguyên Mông lại ba lần thua Đại Việt. Thất bại lần thứ ba của Nguyên Mông trước Đại Việt vào năm 1288 cũng là một nhân tố khiến họ từng bước suy vong, đi đến tan rã.
Rồi trong thời kỳ hiện đại, chúng ta cũng đã có những kỳ tích trong chống ngoại xâm và có những thành tựu đáng khâm phục trong phát triển kinh tế ở thời kỳ đổi mới.
Vậy thì con người Việt Nam có những nguồn lực gì để chúng ta có thể phát huy, khai thác trong bối cảnh hiện nay?
Theo GS. Vũ Minh Giang, người Việt Nam có một tố chất đặc biệt, đó là sự linh hoạt. Trong thời đại ngày nay, thời đại Công nghiệp 4.0, liên quan tới công nghệ số, liên quan tới thông tin điều khiển… thì sự linh hoạt là tố chất quan trọng hàng đầu. Cách đây mấy thế kỷ, chúng ta không nhảy lên được “đoàn tàu công nghiệp” vì lúc đó cần sự kỷ luật, cần quy trình chặt chẽ trong khi người Việt Nam yếu những điều đó. Nhưng hiện nay, nếu chúng ta đến thung lũng Silicon (Mỹ), hay Ấn Độ – những nơi làm phần mềm công nghệ thông tin hàng đầu thế giới sẽ thấy rất nhiều người Việt Nam làm việc ở đó. Ngoài sự nhanh nhẹn, thông minh thì tính cách mềm dẻo, linh hoạt đang là thế mạnh của người Việt Nam.
Tuy nhiên, GS. Vũ Minh Giang cho rằng để đất nước phát triển, tiến lên mạnh mẽ, quan trọng hơn cả là khát vọng và quyết tâm của con người Việt Nam.
Sự phát triển của một con người cũng như của một dân tộc không bao giờ có nếu như không có hai chữ khát vọng. Vì vậy, khát vọng phải hiểu như là động lực bên trong, nội lực tự sinh để đẩy người ta phấn đấu vươn lên.
Một dân tộc đã từng có những kỳ tích trong lịch sử, đã chiến thắng trong tất cả các cuộc chiến với các siêu cường trên thế giới, nhưng nếu không có khát vọng, không có mục tiêu rõ ràng thì khó có thể phát triển mạnh mẽ.
Sau 75 thành lập nước, lịch sử Việt Nam đang ở giai đoạn đủ hết các yếu tố để cất cánh bay lên bầu trời. Khi đã có đầy đủ mọi thứ nhưng muốn có sự phát triển mang tính chất bứt phá thì khát vọng mang tính chất quyết định. GS. Vũ Minh Giang nhấn mạnh.
Không ngừng đi lên
Nhiều học giả quốc tế sau khi nghiên cứu về lịch sử dân tộc Việt đã phải thốt lên: Dân tộc phi thường.
GS. Vũ Minh Giang cho rằng, phi thường chính là một trong những đặc trưng của lịch sử và văn hóa Việt. Sự phi thường của truyền thống tạo nên sức mạnh Việt Nam, giúp dân tộc vượt qua mọi thử thách hiểm nghèo, vững bước tiếp tục đi lên.
Sự phi thường đó không chỉ đơn thuần là những thắng lợi có tính kỳ tích trước những đế quốc hùng mạnh trong các cuộc chiến bảo vệ đất nước, trước những cơn giận dữ bất thường của thiên nhiên mà sự phi thường đó chính là hình thành từ khối cộng đồng phi thường vững chắc để vượt qua thử thách.
Tiến trình lịch sử Việt Nam là một quá trình không ngừng đi lên. Từ chỗ mất nước đến có quốc gia độc lập, từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới tới vị thế lần thứ hai được bầu là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu gần như tuyệt đối.
Tuy nhiên, người ta không thể chỉ sống bằng quá khứ, chỉ nhắc đến hằng ngày những chiến thắng quân Nguyên, quân Thanh, chống Pháp, chống Mỹ. Nhưng nếu không có bảng vàng rực rỡ của quá khứ, chắc chắn không thể có ngày hôm nay.
Làm sao có thể giải thích được hiện tượng hễ cứ có thiên tai, địch họa thì người Việt Nam như một bản năng, tất cả gạt hết mọi khúc mắc và muôn người như một đứng liền thành một khối. Khối liên kết vô cùng vững chắc đó sẽ mạnh mẽ hơn, bền vững hơn khi nguy cơ, hiểm họa đe dọa sự tồn vong của dân tộc, của cộng đồng.
Những điều phi thường đó chính là di ảnh của quá khứ hiện lên trong hiện tại dưới dạng truyền thống mà mỗi người con đất Việt đều có trong huyết quản của mình.
Sau 75 năm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời, đến nay, theo GS. Vũ Minh Giang, để phát triển đất nước, bên cạnh tài nguyên thiên nhiên, chúng ta phải khai thác hai loại tài nguyên: Tài nguyên trí tuệ và tài nguyên cơ hội.
Với tài năng-tài nguyên trí tuệ, chúng ta phải có chiến lược nhân tài, lực lượng dẫn dắt xã hội. Đây là lúc phải mạnh mẽ khai mở tư duy, tìm chọn người tài.
Để phát huy sức mạnh nguồn lực con người, chúng ta cần phải có cơ chế, chính sách đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, phải tạo ra được những phong trào tập thể, kêu gọi sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để mỗi người ý thức rõ hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân đối với Tổ quốc.
Theo GS. Vũ Minh Giang, các nước khác để có những thành tựu ngoạn mục đưa đất nước đi lên đều có chiến lược sử dụng nhân tài một cách khoa học. Nhân tài là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tiến bộ xã hội, dân tộc, cộng đồng, là lực lượng tổ chức, tiên phong, quyết định tốc độ, trình độ, chất lượng phát triển của mỗi quốc gia. Vì vậy, việc phát hiện và phát triển nhân tài là vấn đề hết sức cần thiết trong tiến trình phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Đội ngũ nhân tài là bộ phận tinh hoa của nguồn nhân lực. Bởi vậy, công tác nhân tài cần được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, liên hoàn và đồng bộ, bao gồm đầy đủ các khâu: Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng.
Bên cạnh đó, Việt Nam là nước cứ thỉnh thoảng có một “làn sóng” cơ hội đến, bởi chúng ta ở vị thế địa văn hoá giao thoa, địa kinh tế giao lưu, địa chính trị giao tiếp.
Ông Lý Quang Diệu (nguyên Thủ tướng Singapore) đã từng nói khi sang thăm nước ta, Việt Nam là thiên đường cơ hội nhưng lại là một nơi cực kỳ lãng phí cơ hội, chưa tận dụng hết cơ hội. Chính vì vậy, theo GS. Vũ Minh Giang, ở giai đoạn phát triển hiện nay, cơ hội tăng lên rất nhiều, chúng ta cần phát huy trí tuệ và nắm bắt cơ hội.
Khai thác thời cơ và sử dụng nhân tài cực kỳ quan trọng để đất nước có sự phát triển mang tính chất bứt phá, cất cánh phát triển mạnh mẽ.
Nguồn tin: Chinhphu.vn