NEWS

Gói hỗ trợ phải kịp thời, đúng đối tượng

Trong phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật chiều 29-6, một trong những nội dung được thảo luận là Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cần rà soát để bảo đảm chính sách phủ kín được người cần hỗ trợ. “Phải kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, minh bạch, đáp ứng được nguyện vọng của đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn, không để xảy ra tiêu cực khi thực hiện chính sách” – Thủ tướng chỉ đạo.

Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng chưa đạt như kỳ vọng

Trước đó, tại phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào giữa tháng 6-2021, một số ý kiến đề nghị cần đánh giá cụ thể về việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cho những đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Kết quả thực hiện cho thấy gói vay không lãi suất 16.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương, chỉ có 245 đơn vị tiếp cận được với số tiền 42 tỉ đồng, chiếm 0,26%; gói hỗ trợ qua chính sách tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất mới giải ngân được 12%. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần tiếp tục đánh giá đối với gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, xem xét hiệu quả các chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong báo cáo gửi Quốc hội về kết quả triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH cho biết tính đến ngày 27-5-2021, thông qua các chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 42/NQ-CP và qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ bằng tiền mặt cho hơn 14,4 triệu người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (11,9 triệu người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; trên 1,3 triệu lao động có giao kết hợp đồng lao động; trên 1 triệu lao động không có giao kết hợp đồng lao động và trên 37.300 hộ kinh doanh) với tổng kinh phí trên 32.694 tỉ đồng.

Theo dự kiến ban đầu khi đề xuất gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn kinh phí là khoảng 61.580 tỉ đồng. Tuy nhiên, kết quả thực hiện hỗ trợ chỉ đạt hơn 53% so với kế hoạch.

Đánh giá chung về kết quả thực hiện chưa cao như dự kiến, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng tại thời điểm nghiên cứu, đề xuất chính sách này thì dịch bệnh đang diễn ra phức tạp nên dự báo số đối tượng bị ảnh hưởng tương đối lớn và thời gian hỗ trợ tương đối dài (dự kiến 3 tháng 4, 5, 6). Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch vào cuối tháng 5-2020, việc giãn cách xã hội sớm kết thúc trong tháng 4-2020, hoạt động sản xuất – kinh doanh được mở trở lại nên hầu hết các nhóm lao động, hộ kinh doanh chỉ được hỗ trợ trong tháng 4-2020.

IFrame

Bộ LĐ-TB-XH khẳng định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về cơ bản đã đúng đối tượng, không có hiện tượng bị lợi dụng, trục lợi chính sách.

Hỗ trợ 3 nhóm đối tượng chủ yếu

Trong tờ trình cấp có thẩm quyền về gói hỗ trợ mới có tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 26.000 tỉ đồng, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất các chính sách hỗ trợ cho nhiều nhóm đối tượng, tuy nhiên có 3 nhóm chính: Nhóm thứ nhất liên quan đến bảo hiểm xã hội. Nhóm thứ 2 là hỗ trợ trực tiếp nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu, không có khả năng lao động và không có khả năng phục hồi, đặc biệt là những người phải nghỉ việc, ngừng việc, giãn việc do yêu cầu của cấp thẩm quyền. Nhóm thứ ba là chính sách hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp trả lương, phục hồi sản xuất để đón đơn hàng quay lại.

Theo tờ trình, chính sách thứ nhất là giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng để người sử dụng lao động có thêm kinh phí hỗ trợ thực hiện phòng chống dịch Covid-19 cho NLĐ. Tiếp đó là hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đề xuất hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể bị dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19; hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đề xuất cho người sử dụng lao động vay hỗ trợ trả lương ngừng việc cho NLĐ trong doanh nghiệp; hỗ trợ cho vay trả lương cho NLĐ trong doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động do yêu cầu của chính quyền để phòng chống dịch Covid-19.

Tại phiên họp của Bộ Chính trị vào chiều 25-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận: Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Bộ Chính trị giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, sớm ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng được hưởng. Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về việc này, bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ thực hiện, tránh thủ tục phiền hà.
Nguồn tin: Người lao động 

TIN TỨC LIÊN QUAN