Tại Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 28), Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Dẫn lời của cố TS.Vũ Tiến Lộc – Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) “Tăng trưởng xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam. Việc Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050 là một quyết tâm chính trị vì lợi ích quốc gia và vừa sức vươn lên của nền kinh tế Việt Nam”.
Để hướng đến Net Zero, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai một trong những biện pháp đưa ra là chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, nhiệt điện gây ô nhiễm, thủy điện đã đến giới hạn, điện hạt nhân đứng trước những cảnh báo về thảm họa, vì thế phát triển năng lượng tái tạo trở thành xu thế tất yếu. Việt Nam có tiềm năng đặc biệt lớn về các nguồn năng lượng tái tạo như: thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Theo nhận định của các chuyên gia và nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam có đủ nguồn năng lượng tái tạo để xây dựng ngành điện quốc gia theo kịch bản phát triển năng lượng bền vững.
Năng lượng xanh, năng lượng tái tạo là xu thế phát triển tất yếu của tương lai
Dù còn nhiều khó khăn thách thức, song các chuyên gia năng lượng đồng tình nhận định, trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và phát triển nền “kinh tế xanh” đang là những ưu tiên hàng đầu đối với nhiều quốc gia trên thế giới, năng lượng tái tạo ngày càng được chú trọng. Việt Nam cần phải phát triển nhanh hơn nữa, vừa tạo thế cạnh tranh trong thời kỳ “kinh tế xanh”, vừa là điểm then chốt để đạt mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã đề ra mục tiêu cụ thể, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất điện dự kiến tăng từ 27% năm 2021 lên 29% trong năm 2025 và 40% vào năm 2045. Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí metan vào năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu này, không còn con đường nào khác là phải thay thế điện than bằng các nguồn điện tái tạo (gió, mặt trời…). Dẫu vậy, từ thực tế triển khai cho thấy, các nguồn điện từ năng lượng tái tạo tương lai vẫn đang có những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách cần được tháo gỡ… Phát triển năng lượng tái tạo hiệu quả và bền vững là chủ đề tiêu điểm của nhiều diễn dàn, hội thảo trong khắp cả nước.
Ngày 02-10-2024, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Năng lượng mới (NLM) và năng lượng tái tạo (NLTT) – Tiềm năng và nguồn lực đầu tư”. Đây là một trong các chuỗi sự kiện quan trọng trong Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2024. Tham dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị – Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Quyền Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến; Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các tổ chức tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế trong, ngoài nước; các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, TP. Bến Tre tham dự.
Đại diện lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước
và tỉnh Bến Tre
CECO tham dự Hội thảo NLM, NLTT và Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh Bến Tre năm 2024 theo lời mời của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre, qua kết nối từ Công ty cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen (TGS). TGS thuộc Tập đoàn The Green Solutions, một trong những đơn vị lớn, tiên phong trong việc nghiên cứu, phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo mang tính chuyển đổi trên khắp Việt Nam.
CECO chúc mừng thành công của Hội thảo NLM, NLTT của tỉnh Bến Tre
Cuối tháng 3/2024, TGS khởi công Dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh Trà Vinh với tổng nguồn vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Đây là dự án sản xuất hydro từ điện phân nước biển, điện năng lượng được tạo ra hydro xanh thông qua quá trình điện phân nước, công nghệ của dự án là điện được sử dụng để tách nước thành hydro và oxy; hydro tạo ra có thể được lưu trữ dưới dạng khí lỏng, thích hợp để sử dụng trong nhiều lĩnh vực và dễ dàng vận chuyển. Chủ trương đầu tư dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh Trà Vinh của Công ty Cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam với thế giới trong lộ trình thực hiện cam kết kéo giảm phát thải khí nhà kính.
CECO (Chủ tịch HĐQT Lưu Ngọc Vĩnh và Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Vân Anh) cùng với Đại diện Công ty cổ phần TGS Trà Vinh Green Hydrogen và Tập đoàn ThyssenKrupp tại Hội thảo của tỉnh Bến Tre
Trong những năm gần đây, CECO đã đồng hành cùng với nhiều chủ đầu tư cả trong và ngoài nước (trong đó có TGS) về các dự án NLM, NLTT như Hydro xanh, Amonia xanh, điện trấu, điện từ rác…ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án (lập, thẩm tra, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và dịch vụ tư vấn khác). Với tư cách là đơn vị tư vấn xây dựng, có khả năng thực hiện tổng thầu các công trình, hỗ trợ đối tác trong việc triển khai các dự án đầu tư ngay từ giai đoạn chuẩn bị đến khi hoàn thành công trình, CECO luôn chú trọng công tác đào tạo đội ngũ kỹ sư cập nhật các công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới, mở rộng quan hệ hợp tác với các nhà bản quyền công nghệ, nhà cung cấp máy móc, thiết bị trong lĩnh vực NLM, NLTT để bắt kịp xu thế phát triển bền vững./.
Nguồn: Tổng hợp
Bộ phận Quản lý thông tin CECO