NEWS

Bộ Y tế lên tiếng về thông tin ‘người dân không được về quê ăn Tết’

Sau 8 ngày bùng phát dịch Covid-19, Việt Nam đã ghi nhận 366 bệnh nhân trong cộng đồng tại 10 tỉnh, thành phố. Biến chủng B117 ở các bệnh nhân đầu tiên tại ổ dịch Hải Dương, Quảng Ninh khiến virus lây lan nhanh. Trước tình thế này, Chính phủ, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương có dịch phải nâng các biện pháp phòng, chống dịch lên một mức.

Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm cận Tết Nguyên đán, người dân chuẩn bị về quê đón năm mới cùng gia đình. Vì vậy, nhiều người thắc mắc liệu họ có được về quê và di chuyển tới các địa phương khác hay không. Đối với người dân ở 10 tỉnh, thành đang có bệnh nhân mắc Covid-19, họ có bị cách ly 14-21 ngày khi đến các nơi khác?

Thế nào là vùng có dịch?

Trả lời PV về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết việc này đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho các địa phương. Cụ thể, chủ tịch UBND tỉnh sẽ quyết định phạm vi khoanh vùng, phong tỏa, cũng như các trường hợp thuộc diện phải cách ly, theo dõi y tế.

Nguoi dan co duoc ve que thoi diem dich? anh 1
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: Phạm Thắng.

Chính vì thế, ông Tuyên cho biết việc có cách ly người từ 10 tỉnh, thành đang ghi nhận dịch Covid-19 hiện nay hay không tùy theo quyết định của lãnh đạo các địa phương.

“Đó là thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành, không phải do Bộ Y tế hay Chính phủ quyết định”, ông nói.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, lãnh đạo các địa phương và người dân cần hiểu rõ thế nào là vùng dịch để có biện pháp phù hợp.

“Vùng có dịch là nơi được chính quyền địa phương xác định và đang bị phong tỏa nghiêm ngặt, ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’. Danh sách cụ thể được căn cứ theo cập nhật của Bộ Y tế về địa chỉ nơi có ca bệnh. Như vậy, những người đang ở vùng dịch, nơi bị phong tỏa, người đi qua những khu vực đang bị phong tỏa tuyệt đối không được di chuyển”, ông thông tin.

Đối với trường hợp thuộc diện F3, F4 không sinh sống hoặc đi qua các địa điểm bị phong tỏa, có thể di chuyển đến địa phương khác khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương nơi cư trú. Ngoài ra, họ bắt buộc phải khai báo với chính quyền ở nơi đến để được theo dõi y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay Cục Y tế Dự phòng đang soạn thảo hướng dẫn chung toàn quốc về vấn đề này. Trong đó, bộ sẽ hướng dẫn cụ thể cho người dân về việc có được di chuyển trong dịp Tết này cũng như các biện pháp phòng hộ.

Đặc biệt, ông Tuyên lưu ý 10 tỉnh, thành có dịch Covid-19, song điều đó không có nghĩa tất cả người dân tại các địa phương này đều thuộc diện cách ly, không được phép di chuyển.

“Tôi lấy ví dụ Hà Nội đang có dịch Covid-19, phong tỏa một số điểm ở quận Cầu Giấy, nhưng người dân huyện Thanh Oai sẽ không liên quan. Kể cả ở Cầu Giấy, một số điểm bị phong tỏa chứ không phải toàn quận”, Thứ trưởng Tuyên nói.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng sự kiện công cộng, Bộ Y tế, cũng cho hay hiện nay, căn cứ vào tình hình dịch, chúng ta chưa cấm việc người dân Hà Nội, TP.HCM cũng như 8 tỉnh còn lại không nằm trong vùng dịch đi đến các nơi khác.

Như vậy, không phải tất cả người dân 10 tỉnh, thành đang có dịch khi đi về các địa phương phải thực hiện biện pháp cách ly tế (cách ly tập trung hoặc tại nhà) trong 14-21 ngày.

“Người ở địa điểm chưa xuất hiện ca bệnh, chưa bị cách ly, phong tỏa khi về các tỉnh sẽ không bị cách ly. Ví dụ, nếu nói Cầu Giấy (Hà Nội) xuất hiện ca bệnh thì cả quận Cầu Giấy là vùng dịch, mọi người dân sống tại quận này khi đi về các tỉnh khác sẽ bị cách ly là không chính xác”, ông Phu phân tích.

Di chuyển an toàn

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, những người được phép đi lại trong kỳ nghỉ Tết cần tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng hộ. Điều đó giúp họ bản vệ sức khỏe cho chính bản thân mình và góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

“Biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất là họ phải đeo khẩu trang khi đi lại trên các phương tiện công cộng. Sau đó là rửa tay, sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn. Khi về tới địa phương, họ nên khai báo y tế để được theo dõi”, ông Tuyên lưu ý.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo tất cả người dân ở những nơi chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 cũng cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Cụ thể, người dân nên ưu tiên di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Nếu sử dụng phương tiện công cộng, chúng ta phải chấp hành theo quy định của đơn vị vận chuyển (nhà xe, hãng hàng không, bến tàu…) như ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn.

“Người dân khi về quê ăn Tết cũng cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như tránh tiếp xúc đông người, đeo khẩu trang, khử khuẩn… Lý do là nguy cơ virus lây lan vẫn rất lớn, không chỉ ở các ổ dịch đã được kiểm soát”, ông Phu nhấn mạnh.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mọi người cần nắm được tình hình dịch Covid-19 trong khu vực mình định ăn Tết, những người mình sẽ ăn Tết cùng có nguy cơ cao hay không. Bạn cần luôn sẵn sàng thay đổi kết hoạch vào phút cuối nếu bạn hoặc những người ăn Tết cùng bạn bị ốm hoặc có thể đã tiếp xúc gần với người mắc Covid-19.

Khi đi lại trong dịp Tết, lưu trú ở các địa điểm công cộng như khách sạn, nhà nghỉ…, người dân cần kiểm tra xem họ có áp dụng các biện pháp phòng dịch hay không.

Bên cạnh đó, bất kỳ ai cũng cần thực hiện các hướng dẫn của chính quyền địa phương về hạn chế đi lại, không đi lại nếu bị ốm hoặc đã tiếp xúc với người mắc Covid-19 trong vòng 14 ngày trở lại. Đồng thời, các biện pháp bảo vệ gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách an toàn với người khác luôn phải thực hiện đầy đủ.

Ba câu hỏi bạn cần cân nhắc kỹ khi lên kế hoạch cho dịp nghỉ Tết:

1. Các khuyến cáo hiện tại của cơ quan y tế là gì?

2. Tình hình dịch Covid-19 trong khu vực ban định ăn tết như thế nào?

3. Bạn hay người thân, bạn bè sẽ ăn Tết cùng nhau có thuộc nhóm nguy cơ cao bị bệnh nặng nếu mắc Covid-19?

Hãy sẵn sàng thay đổi kế hoạch vào phút cuối nếu bạn hoặc những người ăn Tết cùng bạn bị ốm hoặc có thể đã tiếp xúc gần người mắc Covid-19.

Nguồn tin: Báo Cánh cò 

TIN TỨC LIÊN QUAN