NEWS

ÁP DỤNG MÔ HÌNH BIM TRONG ĐƠN VỊ TƯ VẤN THIẾT KẾ

  1. TỔNG QUAN VỀ BIM.  

Mô hình thông tin xây dựng (BIM) là một quy trình liên quan tới việc tạo lập và quản lý những đặc trưng kỹ thuật số (được gọi là mô hình thông tin kỹ thuật số) trong các khâu thiết kế, thi công và vận hành các công trình (công trình ở đây có thể là công trình xây dựng hay các sản phẩm công nghiệp). Về bản chất, có thể xem BIM là một hồ sơ thiết kế gồm những tập tin hay dữ liệu kỹ thuật số, chứa các mối liên hệ logic về mặt không gian, kích thước, số lượng, vật liệu của từng cấu kiện, bộ phận trong công trình. Những thông tin này được trao đổi và kết nối trực tuyến với nhau thông qua các phần mềm, để hỗ trợ cho việc quản lý và ra những quyết định liên quan tới công trình. Việc kết hợp các thông tin về các bộ phận trong công trình với các thông tin khác như định mức, đơn giá, tiến độ thi công… sẽ tạo nên một mô hình thực tại ảo của công trình, nhằm mục đích tối ưu hóa thiết kế, thi công, vận hành quản lý công trình.

Những phần mềm hỗ trợ BIM được sử dụng bởi các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, để lên phương án, thiết kế, thi công, vận hành và bảo dưỡng nhiều hạng mục công trình xây dựng hay cơ sở hạ tầng khác nhau, như hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, hệ thống cung cấp điện, khí đốt, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống đường giao thông, cầu, cảng, nhà ở, căn hộ, trường học, cửa hàng, văn phòng, nhà xưởng… Một số phần mềm hỗ trợ BIM được sử dụng tương đối phổ biến có thể kể tới Autodesk Revit Architecture & Structure, Tekla Structure..

BIM được ngành xây dựng của nhiều quốc gia đánh giá đang và sẽ là công nghệ chủ đạo trong nhiều thập niên sắp tới và có khả năng giúp lĩnh vực thiết kế, xây dựng và quản lý công trình giải quyết được các vấn đề lãng phí, năng suất thấp và thiếu hiệu quả đang tồn tại phổ biến hiện nay. BIM không bó hẹp theo cách hiểu đơn thuần là tạo ra bản phối cảnh ba chiều của công trình sau khi thiết kế xong. Thực tế, với vai trò là một cơ sở dữ liệu bao trùm toàn vòng đời của công trình BIM chứa các mối liên hệ logic về mặt không gian, kích thước, số lượng, vật liệu các bộ phận của công trình. Cùng với khả năng kết hợp thông tin các bộ phận công trình với các thông tin về định mức, đơn giá, tiến độ thi công, chi phí vận hành bảo trì, BIM mang lại những thay đổi mang tính cách mạng trong việc tạo ra, thể hiện, sử dụng thông tin của công trình xuyên suốt quá trình thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo trì công trình.

Qua thực tiễn nhiều năm áp dụng ở nhiều quốc gia, BIM đã được xem như là một công cụ hiệu quả trong việc quản lý và chia sẻ thông tin giữa chủ đầu tư, kiến trúc sư, kỹ sư tư vấn, nhà cung ứng, và nhà thầu xây lắp. Sử dụng BIM để quản lý và chia sẻ thông tin về công trình giúp tăng cường sự cộng tác, phối hợp giữa các thành viên của dự án, giúp đưa ra các phương án thiết kế và biện pháp thi công tối ưu và phù hợp với yêu cầu của Chủ đầu tư ngay trong giai đoạn thiết kế. Việc triển khai BIM với sự hỗ trợ của các phương pháp hợp đồng mới giúp xoá mờ các ranh giới ngăn cản sự hợp tác tích cực giữa các bên chủ đầu tư, thiết kế, thầu chính, thầu phụ trong dự án đầu tư xây dựng.

  1. LỘ TRÌNH ÁP DỤNG BIM TẠI VIỆT NAM

Ngày 17 tháng 3 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg phê duyệt lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng, theo đó:

  1. a) Giai đoạn 1: từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp I, cấp đặc biệt của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.
  2. b) Giai đoạn 2: từ năm 2025, áp dụng BIM bắt buộc đối với các công trình cấp II trở lên của các dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư bắt đầu thực hiện các công việc chuẩn bị dự án.

Đối với các dự án, công trình xây dựng bắt buộc áp dụng BIM, tệp tin BIM là một thành phần trong hồ sơ thiết kế xây dựng, hồ sơ hoàn thành công trình. Chủ đầu tư hoặc đơn vị chuẩn bị đầu tư có trách nhiệm cung cấp tệp tin BIM cùng với loại hồ sơ khác theo quy định khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng và nghiệm thu công trình.

Đối với các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng mới sử dụng vốn khác, Chủ đầu tư cung cấp tệp tin BIM khi thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, xin cấp phép xây dựng, nghiệm thu công trình theo lộ trình sau: công trình cấp I, cấp đặc biệt từ năm 2024; từ năm 2026, bổ sung thêm công trình cấp II.

Nội dung áp dụng và mức độ chi tiết của mô hình BIM do chủ đầu tư dự án quyết định.

Từ năm 2023, đối với công trình áp dụng BIM, cơ quan quản lý nhà nước sử dụng mô hình BIM để hỗ trợ trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu.

Chủ đầu tư các dự án áp dụng BIM theo lộ trình quy định có trách nhiệm tổ chức cập nhật mô hình BIM để phục vụ quá trình quản lý, vận hành và bảo trì công trình. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình thông tin công trình trong hoạt động xây dựng sớm hơn thời gian quy định trong lộ trình.

  1. DOANH NGHIỆP CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ KHI ÁP DỤNG BIM

Việc áp dụng mô hình BIM theo Quyết định số 258/QĐ-TTg là một bước quan trọng giúp các doanh nghiệp trong ngành xây dựng và quản lý dự án nâng cao hiệu suất, tối ưu hóa quy trình và cải thiện chất lượng công trình. Tuy nhiên, để thực hiện thành công việc áp dụng BIM, doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt những nội dung sau:

3.1. Đảm bảo hệ thống cơ sở vật chất: Trước khi bắt đầu triển khai BIM, doanh nghiệp cần kiểm tran và nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất để đảm bảo hệ thống có khả năng xử lý và truyền tải dữ liệu phức tạp của các mô hình BIM. Hạ tầng mạng cần đảm bảo tốc độ và băng thông đủ lớn để hỗ trợ việc chia sẻ dữ liệu và tương tác trong thời gian thực hiện.

3.2. Đào tạo cho nhân viên về quy trình BIM: Sự thành công của việc áp dụng BIM phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của nhân viên làm việc với các phần mềm trong mô hình BIM một cách hiệu quả. Doanh nghiệp cần đào tạo nhân viên về cách sử dụng các phần quan trọng và làm quen với các công cụ, tính năng cơ bản. Điều này sẽ giúp tăng cường khả năng tương tác với mô hình BIM và tối ưu hóa quá trình làm việc.

3.3. Xây dựng môi trường làm việc tương thích với BIM: Môi trường làm việc cần phải được thiết kế để tương thích với việc sử dụng BIM. Doanh nghiệp cần đảm bảo phần mềm và công cụ cần thiết để làm việc với BIM đã được cài đặt và cấu hình đúng cách trên máy tính của từng nhân viên. Ngoài ra, việc thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm và tạo sự linh hoạt trong việc chia sẻ và truy cập dữ liệu cũng là yếu tố quan trọng.

3.4. Thiết lập quy trình làm việc với BIM: Doanh nghiệp cần xây dựng quy trình làm việc cụ thể khi áp dụng BIM. Quy trình này bao gồm việc xác định cách tạo, quản lý và chia sẻ dữ liệu trong mô hình BIM. Điều này đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả trong quá trình làm việc và giao tiếp giữa các bộ phận trong doanh nghiệp.

  1. VAI TRÒ VÀ TÁC DỤNG KHI ÁP DỤNG BIM CỦA ĐƠN VỊ TƯ VẤN THIẾT KẾ

4.1. Vai trò: Việc sửa chữa những sai sót trong quá trình thi công sẽ rất tốn kém. Bản chất cộng tác của BIM cho phép các thành viên trong nhóm dự án chia sẻ thông tin chi tiết về công việc của họ. Từ đó giảm thiểu sai sót và loại bỏ những xung đột do bản vẽ không khớp. Thông qua quá trình cộng tác trong BIM, đơn vị thiết kế sẽ cho ra bản vẽ đầy đủ và dễ hiểu hơn.

4.2. Tác dụng khi áp dụng BIM đối với đơn vị tư vấn thiết kế:

– Với việc công trình được mô phỏng qua hình ảnh mô hình 3 chiều trực quan sẽ tạo thuận lợi cho việc thuyết trình, đánh giá, lựa chọn giải pháp thiết kế có hiệu quả;

– Việc áp dụng BIM góp phần tăng năng suất, chất lượng thiết kế, thuận lợi trong việc điều chỉnh thiết kế và hạn chế được sai sót trong quá trình thực hiện: Do có sự phối hợp đồng thời của các bộ môn thiết kế, các thông tin thiết kế được hiển thị trực quan nên việc dùng BIM sẽ tăng chất lượng thiết kế, giảm đáng kể mâu thuẫn giữa thiết kế tại văn phòng và triển khai thi công ngoài hiện trường. Các thiết kế thực hiện thông qua BIM khi có điều chỉnh ở bộ phận thiết kế này, thì thông tin thay đổi sẽ hiển thị trên đối tượng đó ở bộ phận thiết kế khác, qua đó việc điều chỉnh thiết kế được thực hiện nhanh chóng;

– Công tác đo bóc khối lượng và lập dự toán chi phí của công trình được thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác: việc sử dụng mô hình thông tin công trình ở định dạng 3D, kèm theo đó là tích hợp phần mềm đo bóc khối lượng nên việc đo bóc khối lượng công trình được thực hiện một cách tự động. Với cơ sở dữ liệu về giá phù hợp, việc xác định chi phí xây dựng công trình sẽ được rút ngắn đáng kể. Tiện ích này đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn thiết kế của dự án, khi các thiết kế thường xuyên thay đổi, chủ đầu tư rất cần các thông tin một cách nhanh chóng để kịp thời đưa ra quyết định lựa chọn phương án;

– Thuận lợi trong việc phân tích mức độ sử dụng năng lượng của các phương án thiết kế, qua các công cụ hỗ trợ, góp phần hướng thiết kế bền vững với môi trường. Việc các thông tin tích hợp trong BIM, cho phép các nhà thiết kế tính toán được nhu cầu sử dụng năng lượng của phương án thiết kế thông qua các công cụ có thể tích hợp như eQUEST và tích hợp các tiêu chuẩn thiết kế xanh như LEED hay LOTUS để đánh giá tính bền vững của công trình. Từ đó có thể thay đổi phương án thiết kế nếu cần thiết, tiết kiệm thời gian và chi phí cho dự án;

– Việc ứng dụng quy trình BIM trong các doanh nghiệp tư vấn thiết kế nước ta hiện nay cũng sẽ từng bước tạo tác phong làm việc theo nhóm, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập với thế giới;

– Việc sử dụng dữ liệu, lưu trữ và trao đổi dựa trên công nghệ điện toán đám mây giúp các nhóm làm việc khác nhau về địa điểm phối hợp với nhau để thiết kế, chuyển giao sản phẩm và lưu trữ thuận tiện hơn.

Dưới đây là một số hình ảnh một trong số nhiều buổi tọa đàm về áp dụng mô hình BIM do VECAS tổ chức mà CECO đã tham dự.

Bộ phận QLTT Ceco

TIN TỨC LIÊN QUAN