NEWS

Áp dụng phòng vệ thương mại phù hợp, tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển

Thời gian qua, bên cạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại tại nước ngoài, công tác điều tra, áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế tại thị trường trong nước đang cho thấy những kết quả tích cực.

Bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng

Với xu hướng thuận lợi hóa, tự do hóa trong thương mại toàn cầu và nhiều FTA song phương, đa phương được ký kết, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia bởi mục đích là bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh đó, do năng lực xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng nhanh, nên nhiều hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại của các đối tác thương mại.

Ở chiều ngược lại, ngành sản xuất trong nước cũng đối mặt với sức cạnh tranh gay gắt đến từ hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt từ các nền kinh tế có quy mô sản xuất lớn, giá cả cạnh tranh. Nếu như trước đây Việt Nam vẫn phải nhập khẩu rất nhiều mặt hàng do trong nước chưa sản xuất được thì hiện nay khá nhiều trong số đó đã được sản xuất trong nước, góp phần đảm bảo chủ động cho phát triển kinh tế, tiêu biểu như thép, sợi, các sản phẩm điện tử dân dụng,…

Chính vì vậy, bên cạnh nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu, việc mở cửa mạnh mẽ cũng đòi hỏi việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản xuất trong nước.

Thông tin tại Hội nghị tổng kết 20 năm công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam, ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, cùng với hoạt động ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại tại nước ngoài, thời gian qua Bộ Công Thương đã xử lý 5 vụ việc giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong đó, 3 vụ việc đã kết thúc và mang lại kết quả tích cực cho Việt Nam bao gồm Việt Nam khởi kiện biện pháp chống bán phá giá tôm của Hoa Kỳ; Việt Nam khởi kiện biện pháp tự vệ với sản phẩm tôn lạnh của Indonesia. Về cơ bản, các kết luận của Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ thương mại. Nhờ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng, từ đó tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp phòng vệ thương mại trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động, cú sốc từ bên ngoài.

Tăng cường sử dụng công cụ phòng vệ thương mại hiệu quả

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), bên cạnh những kết quả tích cực đạt được như trên thì công tác điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại còn gặp một số tồn tại và hạn chế.

Hiện nay, số lượng hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đã có dấu hiệu gia tăng so với giai đoạn trước năm 2011. Tuy nhiên, so sánh với tương quan số lượng vụ việc mà các Cơ quan điều tra quốc tế tiến hành, số lượng hồ sơ yêu cầu tại Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Trong vụ việc phòng vệ thương mại, Cơ quan điều tra cần tập hợp ở mức độ cao nhất sự phối hợp cung cấp thông tin của các bên liên quan nhằm có một cái nhìn đa chiều, tổng thể và khách quan về vụ việc. Tuy nhiên, mỗi một ngành hay một lĩnh vực có một số lượng rất lớn các doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau, đóng vai trò khác nhau trong chuỗi giá trị và ở những địa bàn khác nhau. Vì vậy, để có thể thu thập thông tin đầy đủ nhằm đảm bảo có thể hiểu rõ về ngành, về doanh nghiệp là vấn đề đối với Cơ quan điều tra, đặc biệt là Cơ quan điều tra phụ thuộc vào sự hợp tác của các bên liên quan trong việc cung cấp thông tin, số liệu.

Bên cạnh đó, trong vụ việc phòng vệ thương mại thì mâu thuẫn về lợi ích sẽ phát sinh giữa các bên liên quan. Ví dụ trong vụ việc chống bán phá giá, ngành sản xuất trong nước sẽ có mong muốn được bảo vệ trước hành vi bán phá giá của hàng nhập khẩu để có thể cạnh tranh công bằng và cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Để đạt được kết quả đó, Cơ quan điều tra phải tiến hành điều tra và xác định được hành vi và mức độ phá giá, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, từ đó kiến nghị áp dụng biện pháp nhằm chống lại hành vi bán phá giá.

Tuy nhiên, nhận thức và mức độ hợp tác của doanh nghiệp trong nước chưa cao. Việc bất hợp tác, hoặc hợp tác không đầy đủ hoặc hợp tác một cách miễn cưỡng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong số đó một phần do chưa hiểu rõ về công cụ này hoặc tâm lý ngại va chạm, ngại tham gia vào vụ việc kiện tụng, và e ngại các thông tin sản xuất, kinh doanh bí mật của doanh nghiệp sẽ bị tiết lộ, không muốn phân bổ nguồn lực vào vụ việc, không muốn hợp tác với các doanh nghiệp khác trong ngành để khởi kiện vụ việc… dẫn đến nhiều vụ việc mới dừng lại ở mức độ tiền khởi xướng, một số vụ việc đã bỏ lỡ các thời điểm tốt ủng hộ cho việc tiến hành điều tra.

Thứ trưởng Khánh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

Với quá trình mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng, cùng với nhu cầu bảo vệ hàng hoá xuất khẩu trước xu thế bảo hộ gia tăng của các quốc gia, cũng sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để đảm bảo cạnh tranh công bằng cho hàng hoá trong nước trước bối cảnh hàng hoá nước ngoài xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, trong thời gian tới tình hình trong nước, khu vực và thế giới được dự báo sẽ có nhiều thay đổi với những diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, hợp tác và phát triển vẫn tiếp tục là xu thế lớn của thời đại. Việt Nam đang đứng trước cơ hội từ việc thực thi các cam kết hội nhập với mức độ mở cửa ngày càng cao.

Để khai thác tốt cơ hội này, Thứ trưởng đề nghị cần tiếp tục phải chủ động hoàn thiện hệ thống về phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Nhiệm vụ đặt ra với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đối với công tác phòng vệ thương mại sẽ nặng nề hơn, đặc biệt là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại và tăng cường cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp.

https://tapchicongthuong.vn/

TIN TỨC LIÊN QUAN