Hướng dẫn mới về xếp lương, thi nâng ngạch công chức
Từ ngày 01/10/2017, hướng dẫn mới về bổ nhiệm ngạch và xếp lương với công chức chuyên ngành hành chính bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, công chức được bổ nhiệm vào các ngạch chuyên ngành hành chính quy định tại Thông tư 11/2014/TT-BNV được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP , cụ thể:
– Áp dụng Bảng 2 với các ngạch công chức sau:Ngạch chuyên viên cao cấp áp dụng công chức loại A3 (nhóm 1); Ngạch chuyên viên chính áp dụng công chức loại A2 (nhóm 1); Ngạch chuyên viên áp dụng công chức loại A1; Ngạch cán sự áp dụng công chức loại A0; Ngạch nhân viên áp dụng công chức loại B
– Áp dụng Bảng 4 với ngạch nhân viên lái xe cơ quan.
Đồng thời hướng dẫn cụ thể cách chuyển ngạch và xếp lương đối với công chức đang giữ các ngạch chuyên ngành hành chính cũ sang các ngạch chuyên ngành hành chính mới tại Thông tư 11.
Xuất bản phẩm trẻ em phải ghi rõ đối tượng phục vụ
Có hiệu lực từ ngày 1-10, Thông tư 09/2017/TT-BTTTT quy định chi tiết khoản 2 điều 46 Luật Trẻ em về tỉ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ; yêu cầu bắt buộc khi đăng, phát tin, bài, chương trình liên quan đến trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm.
Thông tư 09 áp dụng đối với các cơ quan báo chí; nhà xuất bản, cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm; cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan chủ quản nhà xuất bản; sở thông tin và truyền thông các tỉnh, TP; các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan.
Theo đó, xuất bản phẩm dành cho trẻ em (trừ sách giáo khoa) phải ghi rõ đối tượng phục vụ tại bìa 4 và trang tên sách theo các lứa tuổi sau: dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, dành cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 11 tuổi, dành cho trẻ em từ 11 đến dưới 16 tuổi.
Đối với báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, khi thông tin về những vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trẻ em là nạn nhân hoặc là người liên quan, phải làm mờ hoặc che mặt và bảo đảm thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em theo điều 33 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.
Sử dụng lao động nước ngoài phải giải trình nhu cầu qua mạng
Theo Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 2-10-2017) về hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài (NLĐNN), trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng NLĐNN, người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài qua mạng điện tử.
Hiện việc nộp tờ khai và báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng NLĐNN được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng (theo Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016).
Như vậy, so với quy định nộp hồ sơ giấy báo cáo giải trình như hiện tại thì việc nộp hồ sơ qua mạng điện tử đã rút ngắn thời gian yêu cầu thực hiện đối với người sử dụng lao động.
Các môn thi thăng hạng dành cho giáo viên mầm non và phổ thông công lập
Theo Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 3/10/2017, có 4 môn thi thăng hạng dành cho giáo viên mầm non và phổ thông công lập, bao gồm
– Môn thi kiến thức chung.
– Môn thi chuyên môn, nghiệp vụ.
– Môn thi ngoại ngữ.
– Môn thi tin học
Thông tư này cũng quy định các trường hợp được miễn thi môn ngoại ngữ.
Quy định mới về thời điểm xét nâng bậc lương đối với sĩ quan
Theo Thông tư 208/2017/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 10/10/2017 hướng dẫn chuyển xếp lương đối với sĩ quan, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ được tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), quy định về thời điểm xét nâng bậc lương lần sau của QNCN đối với sĩ quan có thay đổi so với quy định hiện hành tại Thông tư 152/2007/TT-BQP ngày 25/9/2007, cụ thể:
– Thời điểm xét nâng bậc lương lần sau của QNCN được tính từ tháng, năm ký Quyết định thăng cấp bậc quân hàm sĩ quan hoặc nâng lương sĩ quan.
Thời điểm xét nâng lương hiện tại (theo Thông tư 152/2007) được xác định dựa vào chênh lệch giữa hệ số lương QNCN so với hệ số lương sĩ quan.
Bên cạnh đó, Thông tư 208 còn quy định về việc chuyển xếp lương đối với công nhân quốc phòng được tuyển chọn QNCN.
3 trường hợp công ty kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng cảnh báo
Theo Thông tư 87/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10-10-2017, công ty kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng cảnh báo khi rơi vào 1 trong 3 trường hợp dưới đây:
– Tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180% trong tất cả các kỳ báo cáo trong 3 tháng liên tục;
– Tỷ lệ vốn khả dụng đã được soát xét hoặc được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận từ 150% đến dưới 180%;
– Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp thuận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến (hoặc không thể đưa ra ý kiến), ý kiến ngoại trừ một số chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng sẽ dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180%.
Tổ chức kinh doanh chứng khoán được đưa ra khỏi tình trạng cảnh báo khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong 3 tháng liên tục, trong đó tỷ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.
Quy định về ngoại tệ trong trò chơi điện tử có thưởng
Theo Thông tư 11/2017/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/10/2017, doanh nghiệp tổ chức kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài được phép mua ngoại tệ để phục vụ hoạt động kinh doanh này theo phạm vi thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác trên cơ sở xuất trình chứng từ, giấy tờ đảm bảo giao dịch hợp pháp, hợp lệ.
Có liên quan, Thông tư 10/2017/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/10/2017 cũng đã hướng dẫn cụ thể việc nhận tiền thưởng bằng ngoại tệ đối với người chơi casino cả trong trường hợp nhận ngoại tệ bằng tiền mặt và bằng chuyển khoản. Tuy nhiên, Thông tư 10/2017/TT-NHNN chỉ áp dụng cho người chơi là người nước ngoài.
Giảng viên ngành y phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh
Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 23/10 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ ĐH.
Theo đó, giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo nhóm ngành sức khỏe theo quy định.
Ngoài ra, theo Thông tư 22, ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, vùng miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo.
Việc mở ngành đã được xác định trong phương hướng, kế hoạch phát triển của cơ sở đào tạo. Tên ngành đăng ký đào tạo có trong Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV theo quy định (gọi là Danh mục đào tạo).
Đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu để tổ chức đào tạo trình độ ĐH ngành đăng ký.
Cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập theo yêu cầu của ngành đăng ký đào tạo trình độ ĐH… Đây là những điều kiện cần thiết để mở ngành đào tạo trình độ ĐH.
Nguồn: Trí thức trẻ